Bộ GD-ĐT trả lời về 'lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/02/2023 17:25 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa trả lời kiến nghị của cử tri về việc làm rõ việc "có hay không lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa hiện nay, thay đổi sách giáo khoa gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhân dân"...

Cụ thể, cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị làm rõ: "Có hay không lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) hiện nay, thay đổi SGK gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhân dân. Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm trong biên tập, lựa chọn SGK để xử lý nghiêm minh trước pháp luật".

Đề nghị làm rõ có lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa không? - Ảnh 1.

Cử tri đề nghị làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn SGK hiện nay

NHẬT THỊNH

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT trả lời: Hiện nay, quy trình biên soạn SGK được các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của luật Xuất bản, bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về SGK; ngoài ra, thực hiện việc xã hội hóa khâu biên soạn theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT.

Các bài học trong SGK thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. SGK các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng, đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng SGK từ khâu biên soạn, thẩm định, lựa chọn và sử dụng SGK.

Đối với việc lựa chọn SGK được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, trong đó quy trình lựa chọn SGK được quy định các hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh dựa trên kết quả lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời báo cáo UBND cấp tỉnh về quá trình lựa chọn và tiếp thu kết quả lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông, như vậy các quy định của thông tư bảo đảm tính dân chủ, công khai và minh bạch trong quá trình lựa chọn SGK.

Trong năm qua, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, thanh tra 14 tỉnh, thành, kết quả cho thấy các cơ sở giáo dục phổ thông và hội đồng lựa chọn SGK đã thực hiện việc lựa chọn SGK đúng theo quy định, kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng môn học trùng với kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục phổ thông.

"Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra địa phương trong việc lựa chọn SGK, phát hiện những vướng mắc và xử lý các tiêu cực trong quá trình lựa chọn SGK nếu có", văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT cam kết.

SGK không tái sử dụng được, gây lãng phí, tốn kém?

Cũng trong kiến nghị, cử tri tỉnh Lâm Đồng còn phản phản ánh: "SGK hiện nay không tái sử dụng được, gây lãng phí, tốn kém, đây là điều hết sức bức xúc trong nhân dân, trong khi nước ta còn là một nước nghèo so với thế giới, việc giáo dục là công tác cốt cán để phát triển đất nước, nhiều nước trên thế giới còn khuyến khích học sinh đi học bằng nhiều hình thức cấp phát sách miễn phí, miễn phí học phí... cử tri đề nghị sớm nghiên cứu sửa đổi".

Về vấn đề này, văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong đó đã quy định các cơ sở giáo dục phải "sử dụng hiệu quả SGK đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt trong quá trình dạy và học theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, trong quá trình dạy và học vẫn còn có hiện tượng học sinh ghi chép vào SGK, dẫn đến SGK không được tái sử dụng, gây lãng phí. Nhằm tăng cường quản lý và sử dụng SGK, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo  các nhà trường tổ chức tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền; bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK; kịp thời in ấn, phát hành, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng SGK phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh và thực hiện chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

"Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện toàn bộ quá trình biên soạn SGK, việc lựa chọn SGK của các địa phương trong bối cảnh thực hiện xã hội hóa SGK, xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn bảo đảm sự công tâm, minh bạch", Bộ GD-ĐT khẳng định. 

 6 tỉnh có sai sót, vi phạm trong lựa chọn SGK

Trước đó, ngày 5.1, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND tỉnh trong việc lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK , giai đoạn từ 1.1.2021 đến 31.5.2022, tại 6 tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

Thanh tra Bộ GD-ĐT đã yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, hạn chế, vi phạm trong lựa chọn SGK, báo cáo kết quả khắc phục về Bộ GD-ĐT sau 45 ngày kể từ ngày 5.1.

https://thanhnien.vn/6-tinh-co-s...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.