Bộ GD-ĐT 'tiết lộ' năm 2025 sẽ thay đổi định dạng đề thi trắc nghiệm môn toán

29/11/2023 20:56 GMT+7

Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, xem xét để đưa ra định dạng đề thi khác hiện nay với các môn trắc nghiệm, đặc biệt là đề thi trắc nghiệm môn toán.

Trong cuộc họp báo chiều nay 29.11, Bộ GD-ĐT đã trả lời các câu hỏi liên quan tới vấn đề tác động tiêu cực trở lại với việc dạy học ở trường phổ thông của hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn, khiến hoạt động dạy học thành ứng phó với kỳ thi. Đặc biệt là với môn toán, một môn học đánh giá cao khả năng lập luận cũng như quá trình tìm kiếm lời giải của người học, chứ không chỉ căn cứ vào kết quả cuối cùng.

Bộ GD-ĐT 'tiết lộ' năm 2025 sẽ thay đổi định dạng đề thi trắc nghiệm môn toán - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ trì cuộc họp báo về phương thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025

THẾ ĐẠI

Sẽ đổi mới định dạng và cấu trúc đề thi môn toán

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Bộ GD-ĐT đã ghi nhận các ý kiến phản ánh của giới chuyên môn về vấn đề này. Tại Đại hội Toán học Việt Nam lần thứ 10 được tổ chức tháng 8 vừa qua ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định trước toàn thể đại hội, "giáo dục toán học cần một phen đổi mới". Yêu cầu này sẽ được thực hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và trong kỳ thi tốt nghiệp THTP từ năm 2025.

Bộ GD-ĐT 'tiết lộ' năm 2025 sẽ thay đổi định dạng đề thi trắc nghiệm môn toán - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đề thi trắc nghiệm môn toán sẽ có sự thay đổi về định dạng

THẾ ĐẠI

Tinh thần chung của "phen đổi mới" ở kỳ thi THPT sẽ được thể hiện ở sự đổi mới về định dạng và cấu trúc đề thi, theo hướng vừa kế thừa vừa phát triển. Phát triển ở đây là đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phát triển ở đây còn là khắc phục một số tồn tại đã phát sinh, hoặc đã được phát hiện ra trong thời gian vừa qua.

Ông Hà nói: "Nhiều nhà toán học cho rằng hình thức trắc nghiệm môn toán mà chúng ta áp dụng hiện nay, một câu hỏi có 4 lựa chọn, trong đó có một lựa chọn đúng, có những hạn chế nhất định. Tôi có thể tiết lộ thông tin ban đầu, mặc dù kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào việc thử nghiệm, nghiên cứu, lấy ý kiến và xin phép lãnh đạo bộ, trong đợt công tác và nghiên cứu vừa qua, chúng tôi có phát triển một số định dạng mới.

Với định dạng mới này, chúng ta sẽ khắc phục được vấn đề là sự hạn chế trong không gian tư duy của môn toán. Trước đây, đề thi chỉ "bó" vào lựa chọn một trong 4 phương án, còn giờ chúng ta đang nghiên cứu để phát triển định dạng mà cho phép sự tự do trong tư duy của thí sinh tăng thêm. Thông tin ban đầu là như vậy. Nếu kết quả nghiên cứu, thử nghiệm tốt thì sẽ được công bố với toàn xã hội".

Phải khắc phục việc dạy học mẹo, dạy học ứng thí

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nhận định, hình thức thi trắc nghiệm hiện nay có những hạn chế. Giải pháp chuyên môn là thiết kế, xây dựng đề thi với các câu hỏi mang tính tư duy logic, suy luận. 

"Có những chuyên gia trước đây rất không đồng tình với hình thức thi trắc nghiệm, đặc biệt là với môn toán, nhưng bây giờ lại thống nhất rất cao với giải pháp này", ông Thưởng nói.

Nhưng ông Thưởng cũng cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, nếu ở đâu đó còn có chuyện dạy học theo kiểu mẹo để ứng phó với thi trắc nghiệm thì Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các sở GD-ĐT khắc phục. 

"Cũng như giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, chúng ta chuyển giáo dục bấy lâu nay nặng về ứng thí (học để thi, có thi mới học) sang một nền giáo dục thực học, thực dạy, thực nghề, thực nghiệp. Tức là dạy thật học thật, học để làm chứ không phải học để thi, không phải thi thì mới học", ông Thưởng nói.

Đảm bảo quyền lợi thi phù hợp với chương trình học

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, với những học sinh không may trượt tốt nghiệp trong kỳ thi năm 2024, hoặc vì lý do muốn xét tuyển ĐH năm 2025, thì các em vẫn được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THTP 2025. 

Với những thí sinh này, Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo để các em được hưởng nguyên lý cơ bản: học theo chương trình nào thì thi theo chương trình đó. Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo để các em được tham gia một kỳ thi mà nội dung thi, phương thức thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, kể cả về cấu trúc và định dạng.

Bộ GD-ĐT 'tiết lộ' năm 2025 sẽ thay đổi định dạng đề thi trắc nghiệm môn toán - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, khẳng định quy chế tuyển sinh yêu cầu các trường ĐH đảm bảo công bằng với mọi thí sinh

THẾ ĐẠI

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng thì khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi nhưng sẽ có 2 đề thi, một đề thi dành cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một đề thi dành cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, cho biết quy chế tuyển sinh ĐH đã được giữ ổn định trong 2 năm qua, trong đó đặt ra nguyên tắc chung là các trường ĐH tổ chức xét tuyển phải đảm bảo công bằng mà không phụ thuộc vào nội dung hay hình thức thi tốt nghiệp THPT.

"Như vậy, các em dù tham gia vào kỳ thi nào, nội dung thi như thế nào thì vẫn được xét tuyển một cách công bằng", bà Thủy nói, và cho biết thêm: "Chúng tôi tin rằng những nguyên tắc trong quy chế tuyển sinh hiện hành sẽ vẫn được áp dụng ổn định trong những năm tới".

Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.