Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc lại việc dạy học môn lịch sử ở cấp THPT

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/05/2022 17:27 GMT+7

Về việc dạy học môn lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Trung tâm truyền thông Bộ GD-ĐT thông tin sáng 12.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và môn lịch sử cấp THPT trong chương trình này.

Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc việc dạy học môn lịch sử ở cấp THPT

Tham gia cuộc làm việc có thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; thành viên Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; và Hội đồng thẩm định chương trình môn lịch sử trong chương trình.

Theo thông tin trên, tại buổi làm việc, Bộ GD-ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn lịch sử trong Chương trình GDPT 2018.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế".

"Riêng với việc dạy học môn lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, trong sáng 11.5, nêu ý kiến về lĩnh vực theo dõi của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban này ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, Ủy ban đã nghiên cứu và tổ chức tọa đàm với chuyên gia, đại diện một số cơ quan về dạy học môn lịch sở ở cấp THPT. Dự kiến ngày 22.5, Ủy ban sẽ có phiên họp toàn thể thảo luận vấn đề này.

"Sơ bộ ý kiến của các chuyên gia chúng tôi thấy rằng về tính cần thiết thì môn học lịch sử này nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn lựa chọn bắt buộc. Về mặt kỹ thuật có thể giải quyết được, không có vấn đề gì khó khăn chỗ này", ông Vinh nói.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THPT, ngoài các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh lựa chọn 5 trong 9 môn gồm lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, tin học, nghệ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.