Bộ GD-ĐT nói học phí không tăng, trường ĐH có kế hoạch gì ?

Hà Ánh
Hà Ánh
14/09/2022 06:06 GMT+7

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, Chính phủ dự kiến ban hành nghị quyết điều chỉnh một số nội dung của Nghị định 81/2021 theo hướng giữ ổn định học phí đại học công lập như năm 2021.

Các trường đại học (ĐH) sẽ có kế hoạch ra sao khi trước đó đã ban hành lộ trình tăng mạnh học phí năm học mới 2022 - 2023 là vấn đề các thí sinh quan tâm.

Chính phủ chủ trương không tăng học phí

Theo quy định, năm học 2022 - 2023 các trường ĐH thu học phí theo Nghị định 81/2021 (Nghị định 81) của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thí sinh tìm hiểu, nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Trường này sẽ áp dụng mức học phí bằng với năm học 2021 - 2022

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo nghị định này, học phí ĐH công lập sẽ tăng vọt với tất cả các loại hình trường khác nhau. Trong đó, trường công lập chưa tự chủ dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng. So với năm học trước đó, khối ngành y dược có mức tăng cao nhất, lên tới trên 71%. Các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 24 - 49 triệu đồng/năm, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 - hơn 61 triệu đồng/năm. Dựa trên khung trần này, các trường ĐH đã công bố lộ trình tăng học phí dự kiến của năm học 2022 - 2023 theo nhiều mức khác nhau.

Tuy nhiên, trong hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới khối giáo dục ĐH diễn ra chiều 12.9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khuyến nghị các trường ĐH công lập chuẩn bị tinh thần thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc không tăng học phí năm nay. Theo đó, Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ ban hành nghị quyết điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 81 theo chủ trương cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021. Phương án này được nêu ra để phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Không phải chỉ trong hội nghị trên, trước đó tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng có kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết với học phí của năm học tới. Trong đó, Bộ kiến nghị lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 với giáo dục ĐH công lập thêm một năm.

Nhìn nhận về chủ trương trên, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng: “Khuyến khích các trường không nên tăng học phí. Còn chính sách hỗ trợ tài chính cho người học sau 2 năm dịch bệnh thì tùy điều kiện và đặc thù từng trường”.

Các trường ĐH sẽ điều chỉnh lại khung học phí giữ ổn định mức năm học 2021 - 2022 cho năm học tới đây?

đào ngọc thạch

Các trường đại học nói gì ?

Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết theo kế hoạch năm học mới trường đã xây dựng khung học phí để trình hiệu trưởng ký ban hành. Tuy nhiên, ngay sau khi có kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc không tăng học phí ĐH công lập mà giữ ổn định như năm 2021, dự thảo phải dừng lại, chưa được ban hành.

“Khi Chính phủ có chủ trương như vậy, quan điểm của trường là chia sẻ với người học trong bối cảnh chung. Đó là thống nhất không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với xã hội, nhất là trong bối cảnh sau 2 năm dịch Covid-19 vừa qua”, ông Phương cho hay.

Như vậy, thay vì áp dụng khung học phí mới năm học 2022 - 2023 theo Nghị định 81, Trường ĐH Nha Trang dự kiến điều chỉnh lại khung học phí giữ ổn định mức năm học 2021 - 2022 cho năm học tới đây.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết việc nghị quyết của Chính phủ điều chỉnh nội dung Nghị định 81 nếu được ban hành cũng không ảnh hưởng đến khung học phí trường đã ban hành.

Theo ông Hoàn, trường đã ban hành khung học phí áp dụng cho năm học mới 2022 - 2023 từ tháng 7. Theo đó, học phí áp dụng cho sinh viên trúng tuyển các năm trước không tăng vì trường áp dụng mức học phí giống nhau cho các năm trong toàn khóa học. Với sinh viên trúng tuyển năm 2022, học phí tăng khoảng 5% so với khóa trúng tuyển trước đó. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, năm 2021 - 2022, học phí của trường giảm 5% so với quy định chung. Do vậy, học phí với sinh viên trúng tuyển năm học 2022 - 2023 tăng 5% so với sinh viên khóa trước, có nghĩa bằng với mức năm học 2021 - 2022 và tương đương ở mức 18 - 20 triệu đồng/năm.

Cuối tháng 6 năm nay, Trường ĐH Y - dược TP.HCM cũng công bố mức học phí dự kiến áp dụng với sinh viên trúng tuyển năm học 2022 - 2023. Học phí các ngành có mức tăng, giảm khác nhau so với năm học trước đó tùy theo ngành, dao động trong khoảng 37 - 77 triệu đồng/năm. Theo lãnh đạo trường ĐH này, trước đó trường có nghe thông tin kiến nghị của Bộ về việc lùi áp dụng khung học phí theo Nghị định 81 thêm một năm nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức. Do vậy, ngay khi có nghị quyết của Chính phủ về nội dung trên, trường sẽ điều chỉnh phù hợp với quy định chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.