Bộ GD-ĐT nói gì về kiểm soát học sinh khi kiểm tra trực tuyến?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/10/2021 06:12 GMT+7

Kiểm tra trực tuyến trong năm học này sẽ không còn là việc bị động, vấn đề đặt ra là khi buộc phải kiểm tra trực tuyến thì biện pháp nào để kết quả là thực chất?

PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những vấn đề còn băn khoăn về việc kiểm tra trực tuyến.

PGS Nguyễn Xuân Thành

Tuệ nguyễn

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, Bộ cũng đã quy định rất rõ trong trường hợp học sinh (HS) không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ.

Bộ cũng cho phép việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể thực hiện qua bài thực hành hoặc dự án học tập, khi đó HS có thể thực hiện tại nhà. Nhưng điều quan trọng nhất là quá trình báo cáo và trình bày báo cáo của HS và hỏi đáp của thầy cô, qua đó có thể đánh giá được chất lượng học tập của các em. Điều quan trọng ở đây không chỉ là điểm số mà thúc đẩy được việc dạy học và giúp HS tiến bộ cả về năng lực và phẩm chất, đặc biệt là trung thực.

Không phải kiểm tra theo kiểu “đóng vở lại để làm bài”

Vấn đề là khi kiểm tra trực tuyến, làm thế nào để giám sát kết quả của bài kiểm tra ấy thực chất là của HS, đảm bảo nghiêm túc để đánh giá công bằng, khách quan?

Đúng là có không ít ý kiến lo lắng cho rằng khi làm bài ở nhà, HS có thể hỏi bài, kể cả nhờ người khác làm giúp nên rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, ngay cả kiểm tra trực tiếp thì HS vẫn có thể thiếu trung thực khi làm bài kiểm tra định kỳ, trước mắt là kiểm tra giữa kỳ. Tôi mong rằng các bậc cha mẹ cần phải nhìn thấy việc không trung thực trong kiểm tra, đánh giá, nhất là khi HS làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến tại nhà vì điểm số của các bài kiểm tra trong quá trình học tập, thì sẽ lợi bất cập hại cho chính các con trong quá trình phát triển.

Giám sát học sinh làm bài kiểm tra trực tuyến ở Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Siêu (Hà Nội)

NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Về phía các cơ sở giáo dục cũng đã chủ động xây dựng nhiều phương án về mặt kỹ thuật để đảm bảo kiểm tra trực tuyến sát với chất lượng dạy học. HS luôn được rèn tính trung thực, học thật thi thật; mỗi nhà trường cũng đều có nội quy, quy định để HS phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi, kiểm tra.

Ngoài giám sát về mặt kỹ thuật như trên thì những giải pháp mềm để giảm tiêu cực còn nằm ở khâu ra đề kiểm tra. Bộ có ý kiến gì về điều này?

Từ nhiều năm qua, Bộ đã có hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá không phải là sự tái hiện lại kiến thức của HS một cách máy móc theo kiểu học thuộc lòng. Đối với hình thức kiểm tra trực tuyến thì càng phải thực hiện việc này tốt hơn. Bài kiểm tra yêu cầu các em phải vận dụng kiến thức để thực hiện những nhiệm vụ được nêu. Việc kiểm tra như vậy không phải theo kiểu “đóng vở lại để làm bài” mà HS phải vận dụng được kiến thức đã học để thực hiện các yêu cầu của đề.

Dù hình thức kiểm tra nào thì trong trường hợp nếu có kết quả bất thường, nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại để đảm bảo quyền lợi của HS.

Kết hợp đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ

Bộ có lưu ý gì về nội dung các bài kiểm tra định kỳ năm nay, thưa ông?

Các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của HS.

Về mặt nội dung, lưu ý các cơ sở giáo dục không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn HS tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, những nội dung không yêu cầu; và những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm trong văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học ứng phó tình hình dịch bệnh mà Bộ đã ban hành đầu năm học.

Về hình thức kiểm tra, cần thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; kết hợp đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đối với bài kiểm tra, đánh giá định kỳ, việc xây dựng ma trận và đặc tả đề kiểm tra cần phối hợp câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận theo tỷ lệ phù hợp. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.