Bộ GD-ĐT: Được phép đuổi học vì vi phạm giao thông

12/03/2016 17:21 GMT+7

Xung quanh việc Sở GD-ĐT Hà Nội quy định đuổi học 1 tuần với những trường hợp tái vi phạm giao thông, Bộ GD-ĐT cho biết, được phép áp dụng hình thức kỷ luật này.

Xung quanh việc Sở GD-ĐT Hà Nội quy định đuổi học 1 tuần với những trường hợp tái vi phạm giao thông, Bộ GD-ĐT cho biết, được phép áp dụng hình thức kỷ luật này.

Học sinh tái diễn vi phạm an toàn giao thông đang khiến các trường đau đầu tìm cách xử lýHọc sinh tái diễn vi phạm an toàn giao thông đang khiến các trường đau đầu tìm cách xử lý
Quy định có từ gần 30 năm
Theo Bộ GD-ĐT, Thông tư số 08/TT của bộ ban hành từ năm 1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đã nêu rõ các hình thức xử lý kỷ luật, trong đó có trường hợp đuổi học 1 tuần lễ. Cụ thể là: Những học sinh vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác; hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy cô giáo và tập thể học sinh như: trộm cắp, trấn lột, gây gổ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác..., hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương thì Hội đồng kỷ luật nhà trường xét đề nghị hiệu trưởng quyết định và thi hành, đồng thời báo cáo lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp để biết và theo dõi.
Trong thời gian 1 tuần bị đuổi học, học sinh này phải kiểm điểm và suy nghĩ một cách sâu sắc về những khuyết điểm sai phạm của mình, nếu tỏ ra thành khẩn ăn năn, hối lỗi, có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ thì sau thời gian bị đuổi học, hiệu trưởng có thể xét và quyết định cho tiếp tục học. Thời gian học sinh bị đuổi học sẽ được coi là nghỉ học có phép nếu được học lại.
Nếu trong thời gian bị đuổi học 1 tuần lễ, học sinh mắc khuyết điểm sai phạm không tỏ ra thành khẩn hối lỗi và quyết tâm sửa chữa, thậm chí còn phạm thêm nhiều khuyết điểm sai phạm khác, thì Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ đề nghị hiệu trưởng quyết định đuổi học 1 năm.
Gia đình học sinh có trách nhiệm quản lý và giáo dục con cái trong thời gian học sinh bị đuổi học.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị, xét kỷ luật do giáo viên chủ nhiệm lớp báo cáo và đề nghị, Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ căn cứ vào ý thức phạm lỗi, tính chất và mức độ tác hại của hành động phạm lỗi của từng học sinh mà quyết định hình thức kỷ luật thích đáng (từ mức độ khiển trách trước Hội đồng kỷ luật trở lên).
Sở GD-ĐT Hà Nội và Bộ GD-ĐT đều khẳng định: Với những gì mà quy định nêu, thì việc đuổi học một học sinh sẽ phải trải qua một quy trình rất chặt chẽ, không thể theo cảm tính hoặc “ngẫu hứng” của một cá nhân nào đó được.
Sẽ đổi mới hình thức kỷ luật?
Xung quanh quy định đuổi học 1 tuần đối với học sinh tái vi phạm an toàn giao thông, một số chuyên gia về tâm lý cho rằng đã đến lúc cần cân nhắc thay đổi các hình thức kỷ luật học sinh như: cảnh cáo phê bình trước tập thể hoặc đuổi học, vì lo ngại những tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh.
Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT chia sẻ: "Quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh ra đời từ năm 1988 đến nay đã gần 30 năm nên cũng nhiều nội dung cần phải bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ví dụ, việc vi phạm an toàn giao thông hay học sinh sử dụng mạng xã hội ra sao, hiện mỗi trường tự đưa ra quy định riêng và áp dụng các hình thức kỷ luật khác nhau, đưa vào nội quy của nhà trường; được tập thể cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh đồng tình trước khi thực hiện".
Cũng theo ông Bá, Bộ GD-ĐT đang rà soát toàn bộ nội dung của quy định hiện hành, lắng nghe các ý kiến góp ý, để tiến hành xây dựng hướng dẫn mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh, đáp ứng những yêu cầu mới hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.