Bộ GD-ĐT đề xuất sử dụng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/06/2022 16:48 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Theo Chinhphu.vn, chiều 21.6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội..., về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa.

Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần

nxbgd

Tại cuộc họp, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, báo cáo làm rõ một số vấn đề nóng liên quan đến sách giáo khoa đang được người dân, xã hội quan tâm hiện nay như: nội dung các bộ sách; những yếu tố cấu thành giá sách; tính ổn định của nội dung và khả năng sử dụng nhiều lần của các bộ sách hiện nay; việc sử dụng sách bổ trợ, sách giáo viên, sách tham khảo; quy mô thị trường sách; hệ thống phân phối; đề xuất ưu đãi về thuế cho các nhà xuất bản…

Bộ GD-ĐT đề xuất mua sách giáo khoa bằng ngân sách, cho học sinh mượn

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã tích cực triển khai các giải pháp để giảm giá sách giáo khoa như sửa đổi, ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định của Bộ GD-ĐT...

Đáng chú ý, tại cuộc họp, Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là vấn đề rất lớn, trong đó đổi mới chương trình, sách giáo khoa là nhiệm vụ nhận được sự quan tâm cao của người dân. Bộ GD-ĐT phải có biện pháp tăng cường tuyên truyền, tham khảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vì sách giáo khoa là vấn đề liên quan trực tiếp đến đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Phó thủ tướng lưu ý, hội thảo về sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT tổ chức phải làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến các bộ sách giáo khoa mới trên tinh thần công khai, cởi mở, giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp thu xu thế của thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ông Đam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ các quy định, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo liên quan đến đổi mới việc dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh; công khai các quy định về thẩm định, biên soạn, phê duyệt các bộ sách giáo khoa nhằm bảo đảm nội dung phù hợp với chương trình, cần công bố bản thảo để xã hội, cộng đồng vào "nhặt sạn".

Đánh giá quy mô thị trường sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo để đề ra các giải pháp hỗ trợ học sinh, giáo viên hiệu quả; đưa ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề định giá, hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp

Về hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.