Bộ GD-ĐT: Dạy trước lớp 1 là phản khoa học

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/05/2023 06:05 GMT+7

Vừa qua, Báo Thanh Niên có loạt bài phản ánh tình trạng trẻ chưa vào lớp 1 đã chịu áp lực phải đọc thông viết thạo, nhận được nhiều quan tâm, bức xúc của dư luận. TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), đã có cuộc trao đổi, chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Bộ GD-ĐT: Dạy trước lớp 1 là phản khoa học - Ảnh 1.

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT)

TUỆ NGUYỄN

TS Thái Văn Tài khẳng định: Dạy học theo nội dung chương trình lớp 1 (chủ yếu là dạy tập viết và tính toán) cho trẻ em tuổi mẫu giáo xảy ra ở một số địa phương, đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.

HẾT LỚP 1 TRẺ SẼ ĐỌC THÔNG, VIẾT THẠO

Vậy Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo ra sao nhằm chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?

Bộ GD-ĐT đã có những văn bản như Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm; Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong đó nêu rõ các yêu cầu với sở GD-ĐT, các đơn vị thuộc bộ.

Đối với sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các sở chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường tiểu học, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cha mẹ học sinh (HS) và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1; nghiêm cấm giáo viên (GV) tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.

Chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc quy định của chương trình lớp 1, nhất là về nội dung dạy học và chuẩn kiến thức, kỹ năng; đảm bảo dạy cho tất cả HS từ những bài học đầu tiên, không bỏ qua bất kỳ bài học nào.

Bộ cũng yêu cầu các sở GD-ĐT có nhiệm vụ chỉ đạo các phòng GD-ĐT tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học và các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, tuyệt đối không dạy học trước chương trình lớp 1.

Bộ GD-ĐT: Dạy trước lớp 1 là phản khoa học - Ảnh 2.

Bộ GD-ĐT yêu cầu tuyệt đối không dạy học trước chương trình lớp 1

NHẬT THỊNH

Về phía Bộ GD-ĐT, khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, có sự thay đổi nào để giúp trẻ không gặp khó khăn khi vào lớp 1 và bố mẹ yên tâm hơn không?

Khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tiểu học, cụ thể hơn là chương trình lớp 1, các tác giả biên soạn chương trình đã phải nghiên cứu rất kỹ chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi để làm sao có sự liên thông, kết nối giữa hai chương trình, giúp trẻ kết thúc chương trình học ở mầm non dễ dàng tiếp cận với chương trình lớp 1 mà không phải trải qua bất cứ một khóa học chuyển tiếp nào. Trong Điều lệ trường tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những yêu cầu cần phải có sự phối hợp, bàn giao, tiếp nhận HS từ mầm non 5 tuổi lên lớp 1.

Về mặt chương trình, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm vì chương trình giáo dục phổ thông mới thiết kế theo hướng bắt buộc học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học (chương trình 2006 quy định học 1 buổi/ngày). Do vậy, nhà trường và GV tiểu học có nhiều thời gian hơn giúp cho HS củng cố để đạt yêu cầu cần đạt với HS khi hoàn thành chương trình lớp 1, đó là đọc thông, viết thạo, giúp HS có nền tảng vững chắc khi học lên lớp trên.

Hơn nữa, trong các môn học của chương trình lớp 1 có bổ sung hoạt động trải nghiệm, giúp HS có cơ hội rèn luyện và thực hành môn tiếng Việt để phát triển năng lực ngôn ngữ. Đặc biệt, so với chương trình 2006, chương trình mới có điều chỉnh lớn đối với môn tiếng Việt, tăng từ 350 tiết/năm lên 420 tiết/năm, giảm bớt thời lượng một số môn cho môn tiếng Việt, với mục tiêu giúp HS đọc thông, viết thạo trước khi lên lớp trên. Vì những thay đổi đó, rất mong các phụ huynh yên tâm, không nóng vội cho con học trước lớp 1 dẫn tới phản tác dụng như tôi đã nói ở trên.

Qua quan sát thấy rằng, không phải HS nào cũng được học chương trình mầm non trước khi vào lớp 1. Xin ông cho biết Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì để những HS này không bị thiệt thòi?

Trong quyết định về khung thời gian năm học, Bộ GD-ĐT luôn cho phép HS lớp 1 được tựu trường sớm hơn ít nhất 2 tuần so với các lớp học khác. Mục đích là để HS lớp 1 vào làm quen với môi trường học tập mới, sẵn sàng tâm thế cho HS chuyển trạng thái từ mầm non lên tiểu học.

Đối với những HS chưa được học mầm non 5 tuổi thì hiện có Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi, thực hiện trong hè để bù đắp cho trẻ chưa được học mầm non những kỹ năng cần thiết, sẵn sàng vào lớp 1. Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trước khi vào lớp 1 với thời lượng khoảng 80 tiết trước khi trẻ vào lớp 1. Chương trình dự kiến ban hành tháng 9 tới để đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận chương trình lớp 1 thuận lợi hơn.

Bộ GD-ĐT: Dạy trước lớp 1 là phản khoa học - Ảnh 3.

Bộ GD-ĐT luôn cho phép HS lớp 1 được tựu trường sớm hơn ít nhất 2 tuần so với các lớp học khác

NHẬT THỊNH


GIÁO VIÊN KHÔNG CHÊ TRÁCH HS VÌ BẤT KỲ ĐỘNG CƠ NÀO

Điều khiến phụ huynh lo lắng là nếu không cho con học trước lớp 1, trẻ sẽ bị điểm kém, bị GV phê bình và hổng kiến thức để học tiếp lên các lớp học cao hơn… Vậy lo lắng này có cơ sở không?

Bộ GD-ĐT đã ban hành các quy định mới về kiểm tra, đánh giá HS tiểu học nói chung và HS lớp 1 nói riêng theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng HS. Như trên tôi đã nói, chương trình thiết kế học 2 buổi/ngày, thời lượng tăng nhưng lượng kiến thức không tăng. Do vậy, GV có thêm thời gian để hướng dẫn tận tình, chu đáo cách ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, đặt vở, từng bước biết đọc, biết viết, làm tính toán…, giúp HS cảm thấy tự tin và vui thích đối với các hoạt động học tập.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu GV không được có biểu hiện so sánh giữa các HS, chê trách HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào. Các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp theo quy định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 1.

Tại các thành phố lớn, phụ huynh lo ngại sĩ số HS trong một lớp học quá đông nên GV không quan tâm được đến từng HS; nếu không học trước, nhiều HS sẽ bị "bỏ lại phía sau". Bộ nói gì về thực trạng này?

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển năng lực HS, giảm áp lực với GV tiểu học, đặc biệt là với GV dạy lớp 1, Bộ GD-ĐT luôn nhấn mạnh yêu cầu các sở GD-ĐT có trách nhiệm tích cực tham mưu với UBND tỉnh, thành phố quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại địa phương; từng bước khắc phục tình trạng số lượng HS trên lớp cao hơn so với quy định ở một số thành phố lớn, nơi có mật độ dân số cao, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Tuy nhiên, không thể lấy lý do sĩ số đông mà vi phạm các quy định của ngành, ép HS học trước chương trình, tổ chức dạy thêm, học thêm trái phép… 

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm dạy trước chương trình lớp 1

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT tham mưu, phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm. Quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng và GV liên quan đến việc dạy học trước chương trình lớp 1. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm về dạy học trước chương trình lớp 1 theo quy định.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã giao nhiệm vụ cho Thanh tra Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức thanh tra và hướng dẫn, chỉ đạo thanh tra giáo dục các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm dạy trước chương trình lớp 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.