Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ phương án lùi khung học phí đại học

Hà Ánh
Hà Ánh
26/08/2023 20:19 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, xây dựng và trình lên Chính phủ phương án lùi khung học phí ĐH quy định theo Nghị định 81.

Thông tin trên được nêu trong Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục ĐH, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chiều 26.8. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các cơ sở giáo dục ĐH và trường CĐ đào tạo sư phạm mầm non cả nước. 

Nhiều vấn đề "nóng" của giáo dục ĐH được đưa ra bàn luận, trong đó có vấn đề học phí đại học (ĐH) theo Nghị định 81. Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, không tăng học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ phương án 'sửa' khung học phí đại học - Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, phát biểu trong hội nghị

VŨ QUỐC ĐOAN


Tại hội nghị, GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết, tự chủ ĐH là tất yếu, hiện phần lớn các trường ĐH đã thực hiện việc này. 

Ông Tú kiến nghị chính sách hỗ trợ các trường, đặc biệt là tài chính. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì các trường gặp nhiều khó khăn, nhất là trường mới tự chủ trong những năm gần đây. "Những trường mới tự chủ gần đây, tôi biết có nhiều trường rất khó khăn. Vì vậy, mong Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất Nhà nước, Chính phủ có thêm chính sách tài chính cho các trường này", GS Tú kiến nghị.

Vụ Trưởng Vụ Giáo dục đại học: “Gần 70% thí sinh trúng tuyển đại học sớm là ảo”

Liên quan học phí, ông Ngô Văn Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã nghiên cứu và xây dựng xong dự thảo nghị định. Ông Thịnh nói: "Tinh thần là chúng tôi trình lên Chính phủ theo phương án là sẽ lùi khung học phí quy định theo Nghị định 81, lùi 1 năm". Phó vụ trưởng cho biết quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ.

Xung quanh Nghị định 81, ông Thịnh nói thêm: "Chúng tôi cũng lưu ý các cơ sở giáo dục ĐH. Trong Nghị định 81, lộ trình học phí thì sửa nhưng các quy định khác vẫn không thay đổi". Nêu ví dụ, Phó vụ trưởng Ngô Văn Thịnh cho hay: "Các chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến, sau khi hết thời gian hạn 2 năm, nếu kiểm định không đạt thì quay lại áp dụng mức học phí quy định theo Nghị định 81 cho khối ngành đó và mức tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH".

Đầu tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81.

Việc sửa nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023-2024, trình Chính phủ trước ngày 8.8.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.