Bộ đội Hải quân bám trụ, hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19

28/08/2021 07:16 GMT+7

Suốt hơn một tháng qua, đội 'vận tải tăng cường' của Lữ đoàn vận tải quân sự 125 (Vùng 2 Hải quân) tham gia bốc dỡ, vận chuyển lương thực - thực phẩm tại TP.HCM, hỗ trợ chống dịch Covid-19 .

Từ giữa tháng 7.2021, nhiều chiến sĩ trong màu áo hải quân mướt mải trên các xe vận tải quân sự, chuyên chở - khuân vác - cấp phát lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu tới các khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện... Đó là những cán bộ chiến sĩ thuộc Lữ đoàn vận tải quân sự 125 (Vùng 2 Hải quân) được tăng cường để hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19. Và đến nay, các chiến sĩ đã có hơn một tháng thực hiện nhiệm vụ thầm lặng, vất vả này.

Các chiến sĩ chuyển các bao khoai lang từ nơi tập kết ra xe tải nhỏ, đưa về các khu dân cư

Nguyễn Độc Lập

Quần áo ướt rượt, mồ hôi nhiều hơn nước mưa

Thượng tá Lê Hồng Quang, Phó chính ủy Lữ đoàn 125, cho biết ngày 9.7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, nhiều khối lượng lớn hàng hóa từ các địa phương trong cả nước chuyển về hỗ trợ chính quyền và nhân dân thành phố. Hàng hóa được tập kết tại các điểm tập trung nên chính quyền rất cần nhân lực và phương tiện vận chuyển, phân phối đến tay người dân và các khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện...

Khi nhận hàng, bộ đội đều phải mang mặc trang phục bảo hộ

Nguyễn Độc Lập

Nắm bắt được nhu cầu của địa phương, nhất là TP.Thủ Đức, Lữ đoàn 125 báo cáo cấp trên và được đồng ý đưa lực lượng, phương tiện tham gia hỗ trợ. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, sáng 20.7, đơn vị đã cử hơn 20 cán bộ, chiến sĩ cùng 2 xe tải và 1 xe ca tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ các lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn TP.Thủ Đức, TP.HCM.
"Chúng tôi bố trí vị trí cho các tàu vận chuyển hàng hóa từ các địa phương hỗ trợ về TP.Thủ Đức cập cảng tại Quân cảng 125 (P.Cát Lái, Q.2 cũ, nay là TP.Thủ Đức). Sau đó, bộ đội phối hợp các tổ chức, đoàn thể địa phương bốc xếp lương thực, thực phẩm và vận chuyển đến các địa điểm phân phối theo sự điều hành của chính quyền", thượng tá Quang cho biết.

Chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân và chiến sĩ Sư đoàn 5 bộ binh (Quân khu 7) chuyển hàng lên xe tải nhỏ, đưa về khu cách ly và các bệnh viện

Nguyễn Độc Lập

Ông Lê Văn Lý, Ủy viên thường trực MTTQ VN TP.Thủ Đức, chia sẻ: "Bộ đội 125 chuyên ngành vận tải quân sự Trường Sa, nhà giàn DK1 bao năm nay nên làm việc nhanh, gọn, lẹ. Chúng tôi "ưng" quá nên đề xuất cấp trên cho tăng cường anh em về TP.Thủ Đức, trực tiếp giúp dân".
"Ban đầu, bố trí chỗ ăn ngủ sinh hoạt nhưng anh em từ chối, nhường cho các lực lượng khác, còn mình thì sáng đi tối về đơn vị tít bên Cát Lái. Bây giờ, có thêm Quân khu 7 hỗ trợ. Trước đó, hàng hóa cứu trợ có ngày lên đến cả trăm tấn, chủ yếu đều do bộ đội Lữ đoàn 125 hải quân bốc dỡ, sắp xếp", ông Lê Văn Lý chia sẻ thêm.

Vận chuyển lương thực thiết yếu cho người dân

Nguyễn Độc Lập

Trung tâm văn hóa TP.Thủ Đức nằm ở địa chỉ 119 Võ Văn Ngân, có khoảng sân rộng gần 1.000 m2 nên được chọn làm nơi tiếp nhận hàng hóa ủng hộ từ các địa phương, doanh nghiệp. Bí thư Thành đoàn TP.Thủ Đức Nguyễn Thị Minh Hồng không giấu được sự ngưỡng mộ: "Nhiều lúc, xe chở hàng đậu kín, toàn là container 40 feet, ai cũng hối giải phóng hàng nhanh để đỡ hư hỏng thực phẩm và quay đầu xe chạy chuyến khác. Hơn 20 anh em bộ đội nhẫn nại bốc dỡ đủ từ gạo mì, rau củ quả cho đến thịt cá tươi. Có lúc đang bốc hàng thì mưa, mọi người tứ tán trú tránh, nhưng anh em vẫn gắng bốc cho xong xe, quần áo ướt rượt, mồ hôi nhiều hơn nước mưa".
"Bộ đội làm thông buổi trưa, về đơn vị lúc 21 - 22 giờ đêm là chuyện bình thường", chị Hồng kể thêm.

Và những ước mơ bình dị

Trung tá Đỗ Văn Quyết, Phó hải đội trưởng Hải đội 5, Lữ đoàn 125 được giao nhiệm vụ chỉ huy đội công tác tăng cường hỗ trợ TP.Thủ Đức. Nhà trung tá Quyết ở TP.Thủ Đức (địa bàn thuộc Q.2 cũ), vợ làm kế toán ở một doanh nghiệp tư nhân, đã nghỉ việc từ tháng 5 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ăn ở sinh hoạt của vợ và 2 con gái của trung tá Quyết cũng vất vả như bao gia đình khác.

Bốc dỡ hàng hóa

Nguyễn Độc Lập

"Từ vất vả thiếu thốn của nhà mình mới thấy bà con gian khó rất nhiều và tự động viên nhau dồn sức, giúp đỡ bà con", trung tá Quyết nói và cười, rồi chia sẻ thêm: "Ai thấy làm việc cũng bảo: "Bộ đội khỏe thế !". Thực ra, anh em trong đội công tác đều làm chuyên môn kỹ thuật trên các tàu vận tải quân sự, quen nhiệm vụ biển đảo nhiều hơn là việc bốc vác, xếp dỡ. Mọi người được chọn, chủ yếu là tác phong nhanh nhẹn, sức khỏe và đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19".

Ở những nơi xe tải không vào được thì bộ đội dùng xe kéo đẩy

Nguyễn Độc Lập

"Không chỉ bốc dỡ hàng hóa, anh em thường xuyên phải hành quân vài chục km, như ga Sài Gòn, ga Sóng Thần, các khu vực cửa ô để nhận hàng, chuyển lên xe tải, chạy về điểm tập kết, dỡ hàng xuống các xe tải nhỏ và lại theo xe nhỏ ấy, phân phát cho các bệnh viện, khu dân cư", thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Thế, lái xe của Lữ đoàn 125, cho biết.
Nhìn thượng úy Thế lúc ôm vô lăng điều khiển xe vận tải quân sự hơn chục tấn, lúc mướt mải bốc hàng, kéo xe đẩy chở rau củ, ít ai biết rằng vợ và 2 con của thượng úy Thế đang ở tâm dịch Tân Uyên (Bình Dương), đang thiếu từng ngọn rau, lon gạo...

Sắp xếp các mặt hàng thiết yếu trước lúc chuyển đến tay người dân

Nguyễn Độc Lập

Trong đội "vận tải tăng cường" của Lữ đoàn 125 Hải quân tại TP.Thủ Đức, có thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Đức Chiều (nhân viên tàu vận tải đổ bộ 513), nhà ở P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức. Cha của thiếu úy Chiều chẳng may mắc Covid-19, phải vào khu cách ly đến lần thứ 2, mẹ và anh, chị của Chiều phải ở yên trong nhà, trước cửa nhà giăng dây liên tục 3 tháng nay.
Mỗi ngày liên lạc với gia đình, biết ở nhà thiếu lương thực, thực phẩm nên Chiều chỉ ước hết giãn cách, để xin 1 bó rau mang về tặng gia đình ăn cho... đã đời. Tâm sự với tôi, Chiều mong: "Nhà em đã xem ngày, tháng 10 em cưới vợ. Lúc ấy, chắc mọi thứ sẽ bình thường"...

Mồ hôi chiến sĩ

Nguyễn Độc Lập

Niềm tin tuổi trẻ

Ở đội "vận tải tăng cường" có 7 chiến sĩ nghĩa vụ quân sự. Nếu cứ nhìn đồ bảo hộ, quân phục dã ngoại, khẩu trang kín mít thì khó nhận ra nhưng những ánh mắt sáng, trong veo thì không lẫn đi đâu được. Binh nhất Lương Thành Sang (nhà ở P5, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), chiến sĩ tàu vận tải đổ bộ 503 là vậy.

Binh nhất Lương Thành Sang, chiến sĩ Lữ đoàn 125, vừa tròn 20 tuổi

Nguyễn Độc Lập

Binh nhất Lương Thành Sang mới bước sang tuổi 21 được mấy ngày. Do hoàn cảnh gia đình, từ bé Sang được bà ngoại nuôi dưỡng. Học hết lớp 10, cậu nghỉ học, đi làm để kiếm tiền nuôi bà. Tháng 3.2020, Sang tình nguyện nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện ngoài Vùng 4 Hải quân, Sang được đưa về Lữ đoàn 125.
Khoản phụ cấp ít ỏi mỗi tháng Sang đều dành dụm, dự tính khi hết nghĩa vụ quân sự sẽ đi học nghề nấu ăn để kiếm tiền nuôi bà. Những ngày dịch bệnh, biết nguồn sống duy nhất của bà (phơi khô cơm nguội từ quán ăn, bán cho người chăn nuôi heo) bị mất, cậu nhờ gửi tiền cho bà và xin vào đội "vận tải tăng cường" với lý do duy nhất: "Ngoại ở nhà thiếu, có người giúp. Giờ mình phải đi giúp những bà con cô bác khác".

Bác sĩ quân y xuyên đêm đặt ECMO cứu sản phụ mắc Covid-19

Biết cháu đi chống dịch, bà ngoại lo lắng: "Người gầy ốm như vậy, sao vác nổi, lại bệnh nằm đấy, phiền anh em ra"... "Con chỉ nói mình đi siêu thị lựa hàng như các bạn bộ binh cho ngoại khỏi lo", Sang khoe với tôi vậy và cười, mắt sáng lấp lánh: "Mình tuổi trẻ, sao đành chọn việc nhẹ nhàng, trong khi quanh mình, ai cũng vất vả"...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.