Bộ Công thương đề nghị nhà máy lọc dầu bán xăng dự trữ để 'giải khát' xăng

12/10/2022 16:35 GMT+7

Bộ Công thương đề nghị các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất sử dụng nguồn xăng dự trữ để cung cấp cho các doanh nghiệp đầu mối, phân phối đến các địa bàn đang hết xăng, thiếu xăng cục bộ .

Thông tin này được ông Nguyễn Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra chiều nay 12.10, do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì.

Nhiều cây xăng ở Đồng Nai vẫn đóng cửa, treo bảng hết hàng

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Công thương đã họp với các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam để bàn các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng cho thị trường trong những tháng cuối năm.

Dự báo nguồn cung xăng trong nước từ nay đến cuối năm sẽ còn căng thẳng, khó khăn

Ngọc Thắng

Thông tin về giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng cho các tỉnh phía nam, ông Nguyễn Duy Đông cho biết, Bộ Công thương đã có đề nghị các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho các đơn vị đặt mua hàng theo hợp đồng đã ký.

Các nhà máy lọc dầu này sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối hiện không có hợp đồng dài hạn với nhà máy nhưng đang bán hàng tại các khu vực đang có tình trạng thiếu hàng cục bộ để kịp thời bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã có đề nghị với UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhập khẩu, cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được phép di chuyển trong thành phố trong giờ cao điểm để kịp thời cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

Người dân TP.HCM tạm thoát "nỗi ám ảnh đổ xăng" khi nhiều nơi mở bán trở lại

Nguồn cung xăng cuối năm vẫn "rất căng thẳng"

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình thế giới biến động phức tạp, thậm chí xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung xăng dầu.

Vừa qua, nhiều địa phương đã có một số cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu toàn quốc, dù số lượng bao nhiêu thì cũng là việc Bộ Công thương cùng các bộ, ngành khác có liên quan phải nhìn thẳng vào trách nhiệm, có các biện pháp để xử lý, giải quyết.

Cũng theo ông Hải, trong quý 2, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, giảm công suất xuống 50 - 55%, thậm chí có thời gian gián đoạn không còn sản xuất nên Bộ Công thương phải đưa ra quyết định yêu cầu 10 đầu mối tăng nhập khẩu xăng dầu để bù lượng sản xuất trong nước.

Trong buổi làm việc sáng nay, các doanh nghiệp thông tin, thời điểm mua vào giá rất cao sau đó giá xăng dầu thế giới liên tục giảm. Điều này khiến các doanh nghiệp thua lỗ, dẫn tới phải cắt giảm bớt chi phí, trong đó có cắt giảm mức chiết khấu cho đại lý bên dưới. Mức chiết khấu này là theo hợp đồng thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Các nhà máy cũng báo cáo, vừa qua do ảnh hưởng của bão, nên việc vận chuyển hàng từ khu vực miền Trung, cũng như đưa từ nước ngoài về cũng khó khăn.

Ông Hải cho rằng, nguồn cung xăng hiện rất khó khăn. Dù doanh nghiệp trong nước đã đảm bảo được 75 - 80% nguồn cung xăng dầu đến từ nguồn trong nước chỉ còn nhập khẩu 20 - 25%, nhưng hiện tại, nguồn cung xăng dầu ở nước ngoài rất khó khăn.

"Cả khu vực châu Âu bị ảnh hưởng, những “ông lớn” đã mua luôn cả lô để đưa về châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu ít, không phải lúc nào cũng nhập nên không phải đối tượng được ưu tiên trong nhập khẩu xăng dầu", ông Hải nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.