Bộ Công thương báo cáo cơ chế mua bán điện trực tiếp không qua EVN

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/08/2023 12:54 GMT+7

Sau hơn 6 năm xây dựng và lấy ý kiến dự thảo, Bộ Công thương vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Tại dự thảo này, Bộ Công thương đề xuất 2 trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất với 2 nhóm chính.

Cụ thể, trường hợp 1 là mua bán điện qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện...

Đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; phải thực hiện quy định về cấp phép hoạt động điện lực. Đơn vị phát điện và khách hàng có trách nhiệm thực hiện các quy định về mua bán điện, giá bán điện theo quy định.

Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062 ngày 4.5 (giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh) và các thông tư của Bộ Công thương.

Bộ Công thương lại báo cáo cơ chế mua bán điện trực tiếp - Ảnh 1.

Trong tương lai, đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió có thể bán điện trực tiếp cho khách hàng có nhu cầu, không phải thông qua đơn vị bán lẻ là EVN

ĐỘC LẬP

Trường hợp thứ 2 là mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện (hiện EVN đang nắm độc quyền), tức là người mua và người bán không giao dịch trực tiếp với nhau như trường hợp trên.

Điều kiện với người mua và người bán trong trường hợp này là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió, hoặc điện mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10 MW trở lên. Còn khách hàng sử dụng điện lớn là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên.

Với trường hợp này, trong giai đoạn khi luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí  liên quan chưa có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện thực hiện phân phối, cung cấp điện cho khách hàng để đáp ứng toàn bộ nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất của khách hàng theo giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Trong giai đoạn kể từ thời điểm luật Giá, các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí liên quan có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng mua điện theo giá điện phản ánh đúng và đầy đủ theo các khoản phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ (giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện...).

Do tính cấp thiết cần có cơ chế, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong thực tế, từ năm 2017, Bộ Công thương đã giao Cục Điều tiết điện lực tổ chức nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện. Đến tháng 5.2022, dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp này được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi. Đến giữa tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã "thúc" Bộ Công thương sớm hoàn thiện, trình ban hành cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn để đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.