Bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do: Cần thời gian chuyển tiếp?

Quý Hiên
Quý Hiên
26/04/2022 08:00 GMT+7

Theo nhiều thí sinh tự do, quyết định của Bộ GD-ĐT về việc ngay từ năm nay không còn được hưởng điểm ưu tiên khu vực cho đối tượng này là bất công. Các trường ĐH cho rằng quy chế nên có điều khoản chuyển tiếp.

Có công bằng như bộ GD-ĐT khẳng định ?

Sau khi Bộ công bố dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non, PV Báo Thanh Niên đã nhận được thư phản ánh của N.T.T, cựu học sinh Trường THPT Cần Giuộc, tỉnh Long An, tốt nghiệp THPT năm 2018. Ước mơ của T. là đỗ y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nên từ 2 năm nay T. quyết tâm ôn thi lại để ước mơ thành hiện thực. Năm 2020, T. thi được 26 điểm, nên càng hy vọng năm nay mình sẽ thực sự “chạm” được vào ước mơ.

Dự kiến sẽ có thay đổi về việc cộng điểm ưu tiên khu vực trong tuyển sinh ĐH, CĐ giáo dục mầm non năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, T. không thể dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đợt 2, khi biết tin TP.HCM không tổ chức thi, T. đã xin dự thi tại quê nhà. Nhưng sau đó, tỉnh Long An cũng không tổ chức thi đợt 2. Vì thế, T. không có cơ hội được tham gia xét tuyển Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Năm nay, T. vẫn không bỏ cuộc, quyết tâm ôn thi lại với ước mơ đỗ ngành y khoa của trường này.

Viết thư cho Báo Thanh Niên, T. cho rằng vì đại dịch Covid-19 nên năm qua rất nhiều thí sinh (TS) tự do phải ôn thi trong một điều kiện rất ngặt nghèo. Hơn nữa, một số TS năm ngoái trượt ĐH vì không được tạo điều kiện tham gia xét tuyển, do dịch Covid-19 mà T. là một trường hợp điển hình.

T. chia sẻ: “Không cộng điểm ưu tiên cho tụi em là thật sự bất công và vô lý chứ không công bằng như những gì Bộ nói”.

Còn tài khoản Facebook Nguyen Thi Trang Anh viết: “Phần lớn TS tự do tuy có 1 năm ôn thi lại nhưng không hoàn toàn được chuyên tâm vào học hành như khi đang còn học lớp 12. Các em phải vừa tranh thủ học ôn, vừa đi làm vừa phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Động lực để các em ôn thi lại phần lớn là vì ngành mình yêu thích chỉ thiếu rất ít điểm, thậm chí, có bạn chỉ thiếu 0,1 hoặc 0,2 điểm, giờ bị “cắt” luôn khoản ưu tiên khu vực 0,25 - 0,75 điểm thì các em không còn gì để hy vọng. Kính mong Bộ GD-ĐT thấu hiểu…”.

Nên hỏi ý kiến các bên bị ảnh hưởng

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, nhiều cán bộ quản lý cũng cho rằng mặc dù rất ủng hộ tinh thần nội dung về ưu tiên khu vực của Bộ, nhưng nếu áp dụng ngay từ năm nay quả là đột ngột với các TS tự do.

“Trong số các TS này, nhiều em đã đỗ và theo học một trường ĐH, nhưng vẫn muốn theo đuổi trường hoặc ngành mà mình ưa thích. Sau khi kết thúc học kỳ 1 ở ĐH, các em đã phải xin dừng học tạm thời để thi lại với hy vọng đỗ nguyện vọng như mong muốn, một trong những căn cứ để các em hy vọng là mình sẽ được cộng điểm khu vực. Vì thế, khi chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, mới thông báo chính sách mới này, thì bất công cho các em”, tiến sĩ Lê Đình Tùng, Phòng Quản lý đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Hà Nội, nhận xét.

Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết các trường ĐH sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi chính sách này, vì lượng TS tự do rất ít, số TS này được cộng điểm ưu tiên khu vực càng ít, nên điểm chuẩn của các trường sẽ không vì thế mà cao lên hay thấp xuống. Nhưng nếu xét về lợi ích của TS thì rõ ràng đây là một quyết định phải xem lại, nhất là vào thời điểm này. “Với các TS thi lại, các em đã phải quyết định ôn thi tối thiểu từ vài ba tháng nay, nhiều em thì bắt đầu ôn từ tháng 9 năm ngoái (sau khi biết kết quả trúng tuyển không như ý). Giờ đột ngột thay đổi thì rõ ràng là ảnh hưởng tới lợi ích của các em”.

Ông Thực góp ý: “Nếu Bộ thực sự quan tâm tới sự công bằng cho TS thì nội dung này nên hỏi ý kiến các bên bị ảnh hưởng, như các trường THPT, các sở GD-ĐT, các TS… Chứ hỏi các trường ĐH thì tôi tin là phần lớn các trường sẽ thấy không sao”.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng nêu ý kiến: “Quy định mới là hợp lý nếu để áp dụng về lâu về dài. Nhưng với một chính sách mới, có lẽ Bộ cũng nên nghĩ đến tính chuyển tiếp. Chẳng hạn, có thể mở ngoặc đơn, riêng TS tự do năm 2022 vẫn được hưởng quy chế cũ. Việc thực hiện đột ngột chính sách mới sẽ gây sốc cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp”.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.