Bộ Công an nói gì về việc triệu tập tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT?

22/10/2017 17:48 GMT+7

"Tài xế hay người dân khi qua các trạm BOT trả tiền chẵn hay tiền lẻ thì pháp luật không cấm, nhưng nếu lợi dụng hoặc cản trở các hoạt động bình thường thì Công an sẽ làm rõ", thiếu tướng Lương Tam Quang nói.

Trả lời Thanh Niên về việc thời gian qua, Công an nhiều địa phương đã phát hành giấy mời hoặc giấy triệu tập các tài xế liên quan đến việc trả tiền lẻ qua các trạm thu phí BOT, thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, nói: "Các tài xế hay người dân trả tiền lẻ hay chẵn thì luật pháp không cấm nhưng nếu như người ta lợi dụng vào việc đó, hoặc có hành vi cản trở các hoạt động bình thường khác, thì cơ quan Công an sẽ làm rõ".
Thiếu tướng Lương Tam Quang cho rằng, Công an các địa phương có quyền mời hay triệu tập các tài xế trong thời gian qua để nhắc nhở, giáo dục. Về hình thức giấy mời hay triệu tập là tùy vào tính chất sự việc, tuy nhiên, cơ quan Công an đã xác định có những trường hợp lợi dụng việc trả tiền lẻ để gây cản trở giao thông.
Hồi đầu tháng 9, Công an tỉnh Hưng Yên đã triệu tập một số tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm BOT quốc lộ 5 qua Hưng Yên. Trong đó, chị Phạm Mai Phương (26 tuổi, ngụ tại Phố Nối, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), một trong những tài xế bị triệu tập, cho Thanh Niên biết các cán bộ công an đã đề nghị chị cho biết rõ có hay không việc bị kích động, cũng như nguyên nhân vì sao lại trả tiền lẻ khi đi qua trạm thu phí. “Tôi đã nói rõ việc tôi trả tiền lẻ là vì bản thân bị ảnh hưởng và thấy bức xúc chứ hoàn toàn không có ai xúi giục hay lôi kéo. Mặt khác, tôi cũng không vận động hay lôi kéo ai cùng tham gia việc này”, chị Phương cho hay.
Trả lời báo chí, đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên,  cũng cho biết đã giao Phòng Cảnh sát hình sự điều tra xem có hay không hành vi lôi kéo, kích động gây rối trật tự công cộng ở Trạm thu phí số 1 kể trên, vì việc gây ra ùn tắc giao thông hơn 2 giờ là có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc điều tra của Công an tỉnh Hưng Yên là hình sự hóa vấn đề dân sự. “Chúng ta phải xem động cơ là gì, động cơ là một trong những cái rất quan trọng. Tôi không nghĩ việc dùng tiền lẻ qua trạm thu nó cấu thành tội hình sự, động cơ phá rối mất mất trật tự thì mới cấu thành tội. Anh không thể hình sự hóa một hành vi không phạm luật", ông Dũng nêu quan điểm.
Gây đây nhất, liên quan đến việc ngày 5.10, tại Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đồng bộ BOT Trảng Bom (Quốc lộ 1A, đoạn tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), một số lái xe cố tình dừng, đỗ xe tại Trạm thu phí (trong khi Trạm thu phí đã xả trạm, không thu phí, cho xe qua lại bình thường, gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1A), căn cứ hình ảnh camera thu được tại Trạm thu phí ngày 13.10, thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, đã ký giấy mời 20 lái xe có hành vi cản trở giao thông đến làm việc để nhắc nhở, yêu cầu không được gây ách tắc, cản trở giao thông khi Trạm thu phí hoạt động trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.