Bộ Công an đề xuất thống nhất 3 lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở

24/10/2023 16:04 GMT+7

Theo đề xuất của Bộ Công an, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và tổ trưởng, tổ phó dân phòng sẽ được kiện toàn, thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Bộ này đề xuất thống nhất công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng thành một lực lượng có tên gọi là "lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở".

Bộ Công an đề xuất thống nhất 3 lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở - Ảnh 1.

Theo đề xuất của Bộ Công an, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và tổ trưởng, tổ phó dân phòng sẽ được kiện toàn, thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

T.P

Đổi mới cả "chất" và "lượng"

Theo dự thảo của Bộ Công an, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Hiện nay, pháp luật quy định bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách được thực hiện công tác quản lý và trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm ANTT. Còn tới đây, sau khi đã được kiện toàn thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, lực lượng này sẽ chuyển sang hỗ trợ công an cấp xã thay vì trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Quy định như vậy để không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực lượng công an cấp xã.

Vẫn theo dự thảo, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ có 6 nhóm nhiệm vụ. Điển hình là hỗ trợ công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về ANTT, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách; trường hợp phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật thì phải báo ngay và kịp thời có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của công an cấp xã.

Ngoài ra, lực lượng sẽ hỗ trợ công an cấp xã trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội (nắm thông tin nhân khẩu, kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, giấy tờ tùy thân của người đến làm ăn, sinh sống trên địa bàn phụ trách…); hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuần tra bảo đảm ANTT ở cơ sở, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.

Đáng chú ý, Bộ Công an chỉ quy định nhiệm vụ mà không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo giải thích của cơ quan soạn thảo, quyền hạn phải gắn với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước. Trong khi đó, đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ ANTT, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn của lực lượng này là không phù hợp.

Bộ Công an đề xuất thống nhất 3 lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở - Ảnh 2.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT

BỘ CÔNG AN

Cơ cấu tổ chức, hoạt động ra sao?

Ngoài công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục được sử dụng, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng, nguồn nhân sự của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn đến từ tuyển chọn. Tiêu chuẩn để được xem xét, tuyển chọn là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên (không giới hạn độ tuổi tối đa), đảm bảo sức khỏe, lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ văn hóa phù hợp…

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được bố trí thành tổ bảo vệ ANTT, với các chức danh tổ trưởng, tổ phó và tổ viên. Địa bàn phụ trách của tổ có thể là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Bộ Công an cho biết, quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị quy định khung tối đa số lượng tổ và khung tối đa số lượng các chức danh của tổ bảo vệ ANTT. Tuy nhiên, theo bộ này, nếu quy định "cứng" về số lượng tổ, số lượng các chức danh của tổ bảo vệ ANTT sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn, không sát với nhu cầu của từng thôn, tổ dân phố, vì mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn có sự khác nhau.

Do đó, dự thảo luật quy định theo hướng "mở", tức là để chính quyền địa phương căn cứ vào yêu cầu bảo đảm ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội của mình quyết định số lượng tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số lượng người tham gia hoạt động. Như vậy sẽ phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Vẫn theo dự thảo, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu; hồ sơ, sổ sách, phương tiện, thiết bị cần thiết… để thực hiện nhiệm vụ được giao. UBND cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng này tại nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc bố trí chung tại nơi làm việc của UBND cấp xã, công an cấp xã hoặc tại địa điểm khác phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bộ Công an đề xuất thống nhất 3 lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở - Ảnh 3.

Bộ Công an tính toán tổng kinh phí cần có để bảo đảm hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là 3.505 tỉ đồng/năm

T.H

Có tăng biên chế, "phình" ngân sách?

Một nội dung quan trọng khác được quy định trong dự thảo, đó là người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Các mức hưởng sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định, trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ mà bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có làm tăng biên chế, "phình" ngân sách hay không. Số lượng dự kiến của lực lượng này là bao nhiêu người?

Bộ Công an cho hay, tính đến hết tháng 12.2022, cả nước có hơn 84.700 thôn, tổ dân phố. Mức lương cơ sở từ ngày 1.7.2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1,8 triệu đồng. Nếu tất cả thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ ANTT, mỗi tổ có 3 người, thì tổng số nhân lực là hơn 254.000 người.

Với số lượng như trên, tổng kinh phí cần có để bảo đảm cho lực lượng hoạt động như dự thảo luật là 3.505 tỉ đồng/năm. Tính trung bình, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cần bảo đảm khoảng 55,6 tỉ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỉ đồng/tháng. Tuy nhiên, do dự thảo luật quy định mỗi tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố nên khi triển khai thi hành luật thì tổng số tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.

Bộ Công an khẳng định, trước mắt, nếu thành lập tổ bảo vệ ANTT trên cơ sở kiện toàn 3 lực lượng (bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng) thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia, cũng không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.

Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố có thể tiếp tục giảm do sáp nhập, các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.