Bộ Chính trị: Xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội cho KH-CN, đổi mới sáng tạo

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/01/2024 08:46 GMT+7

Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách vượt trội, cơ chế thử nghiệm chính sách mới, rủi ro để phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20 ngày 1.1.2021 của T.Ư Đảng khóa XI về phát triển khoa học - công nghệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 20).

Bộ Chính trị: Xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội cho KH-CN, đổi mới sáng tạo- Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận

GIA HÂN

Tại kết luận, Bộ Chính trị cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, việc phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thể chế hóa Nghị quyết 20 chưa đầy đủ, đồng bộ; công tác quản lý nhà nước chậm đổi mới, chưa thúc đẩy mạnh mẽ phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năng lực một bộ phận cán bộ khoa học - công nghệ còn hạn chế; tiềm lực, trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách so với nhóm các nước dẫn đầu khu vực.

Bộ Chính trị cũng đánh giá, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự đóng vai trò là quốc sách hàng đầu, đột phá chiến lược, là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách, pháp luật

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 20, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với sự phát triển của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh phải xác định phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; gắn với phát triển kinh tế - xã hội của ngành, vùng, địa phương, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh, phải thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bước đột phá để chuyển nhanh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội.

Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong đó, Bộ Chính trị lưu ý chú trọng chính sách tài chính, đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển công nghệ số, công nghệ cao; chính sách xã hội hóa. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách vượt trội, cơ chế thử nghiệm chính sách mới, rủi ro, nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng, chuyển giao các lĩnh vực khoa học - công nghệ có tính nền tảng.

Cùng đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền; thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu.

Đẩy mạnh tự chủ, khuyến khích liên doanh, liên kết

Bộ Chính trị cũng yêu cầu nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học - công nghệ công lập nhằm thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia, ngành, vùng, nguồn lực trong và ngoài nước.

Tập trung phát triển một số tổ chức khoa học - công nghệ đạt trình độ khu vực và thế giới; xây dựng chuẩn mực nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học phù hợp thông lệ quốc tế.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, phát triển các hướng nghiên cứu, giải pháp công nghệ gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển thị trường khoa học - công nghệ. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi.

Cùng đó, có chính sách ưu đãi cho sản phẩm đang trong thời kỳ thử nghiệm, sử dụng công nghệ mới và các hoạt động tư vấn, nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ.

Một nhiệm vụ nữa là đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh việc thành lập tổ chức khoa học - công nghệ có vốn nước ngoài tại Việt Nam; thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực.

Khuyến khích liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.