Bộ Chính trị chỉ đạo loạt nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/07/2022 16:54 GMT+7

Bộ Chính trị kết luận hàng loạt nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

Phụ thuộc nhiều nguồn nước quốc gia thượng nguồn

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những năm gần đây, vùng hạ nguồn sông Mê Kông liên tục bị ảnh hưởng và đối mặt nguy cơ mất an ninh nguồn nước với tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, triều cường…

AFP

Bộ Chính trị đánh giá việc bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác này còn nhiều hạn chế như việc quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước.

Theo Bộ Chính trị, nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, bảo vệ, sử dụng nước chưa đầy đủ.

Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn. Cạnh đó, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất…

Đến 2045 phải chủ động nguồn nước

Kết luận của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

Đồng thời, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, nam Trung Bộ, miền núi phía bắc..

Đến năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết căn bản nước sinh hoạt cho các đảo có đông dân cư. Đồng thời, bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi lớn…

Đến năm 2045, chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Cơ chế giải quyết xung đột nguồn nước xuyên biên giới

Bộ Chính trị cũng đưa ra hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.

Cụ thể là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này; hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu có chính sách thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nước và công trình bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn lực, trước hết là ngân sách nhà nước để nâng cấp, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trước các mùa mưa lũ.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; Chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới với các quốc gia, tổ chức, đối tác quốc tế, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột nguồn nước xuyên biên giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.