Bỏ 'bảo đảm tín chấp' trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự

19/03/2015 18:47 GMT+7

(TNO) Ngày 19.3, tại TP.HCM, Hiệp hội Ngân hàng, Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi.

(TNO) Ngày 19.3, tại TP.HCM, Hiệp hội Ngân hàng, Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi.

Theo ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp, thành viên ban soạn thảo), các biện pháp bảo đảm trong BLDS 2005 hiện hành có nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến tính an toàn pháp lý của các giao dịch. Chẳng hạn như, chưa bảo đảm được tính an toàn pháp lý cho các bên, thiếu cơ chế xử lý nợ một cách nhanh chóng, phụ thuộc nhiều vào ý chí và thiện chí của người có tài sản dù hợp đồng đã nêu rõ nghĩa vụ các bên; chưa giải quyết triệt để quyền lợi của các bên liên quan đến việc xử lý tài sản…
Từ đó ban soạn thảo đã đưa ra giải pháp khắc phục, trong đó dự thảo đã bỏ hẳn biện pháp "bảo đảm tín chấp” và bổ sung hai biện pháp mới là “cầm giữ tài sản” và “bảo lưu quyền sở hữu”.
Lưu ý về những điểm chưa nhận được sự thống nhất cao trong dự thảo, PGS - TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), nhận xét dự thảo vẫn còn loay hoay với những tài sản mang tính chất hữu hình và cổ điển, trong khi thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới. Ví dụ, nếu người đi vay là cá nhân, các ngân hàng thường dựa vào thu nhập thực tế ổn định của người đó, tài sản bảo đảm có khi chỉ cần tượng trưng. Nhưng ngân hàng nhìn ra được khả năng trả nợ tốt của cá nhân đó, như vậy họ đang nhắm vào lợi ích đạt được chứ không phải sự chắc chắn về tài sản bảo đảm.
Theo GS. Nguyễn Xuân Thảo, chuyên gia về giao dịch bảo đảm của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), cộng đồng quốc tế hiểu tài sản trong các giao dịch bảo đảm chỉ là các động sản mà không bao gồm các bất động sản. Tương tự, những giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng tiền lương cũng không được coi là giao dịch bảo đảm vì nó là nguồn nuôi sống bản thân và gia đình người lao động. Họ cũng không quan tâm đến khái niệm quyền sở hữu hay vật quyền như cách hiểu của các nhà lập pháp Việt Nam mà họ hiểu đây là một lĩnh vực pháp luật thực hiện trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận của các bên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.