Vệ sĩ rừng ngập mặn

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
19/03/2020 06:43 GMT+7

Sau những vạt rừng, có những cuộc đời hiện ra.

Trong nhiều ngày sống ở rừng Sác (H.Cần Giờ, TP.HCM) để thực hiện loạt bài Sống ở rừng Cần Giờ đăng trên Thanh Niên Online, tôi hiểu thêm những cơ cực của các hộ giữ rừng chốn “rừng thiêng nước độc”.
Nước ngọt quý hiếm, giá 150.000 đồng/m3, nên cư dân rừng tiết kiệm từng ngụm. Không phải có bồn đựng, tiền là có thể mua.
Tất cả phụ thuộc vào những sà lan bơm nước. Đến mùa khô hạn, các gia đình buộc phải rửa chén, giặt đồ bằng nước mặn, sau đó mới tráng lại bằng nước ngọt. Không thể kể hết khó khăn ở đây. Thiếu nước, điện, sóng điện thoại, nhu yếu phẩm; tiền lương ít ỏi… là chuyện mà người dân đối mặt 30 năm qua.
Thậm chí, nếu không chứng kiến cảnh nhân vật đang nói chuyện đột nhiên phóng ra bờ nhà, căng người kềm vỏ lãi vì sợ bị đánh chìm, tôi khó hình dung sóng tàu là “kẻ thù hung hãn” của họ. Sóng tàu gây sạt lở bìa rừng, chìm xuồng, ngã cây…
Nhưng đó là trắc trở của cuộc sống thường nhật, “ở đâu mình cũng phải làm”, “nữ hoàng tốc độ” Nguyễn Thị Loan (42 tuổi, phân khu 1, rừng phòng hộ Cần Giờ; một nhân vật trong loạt bài) nói với tôi như vậy.
Tôi đã cảm nhận được tâm tình, cái không khí, nhịp độ ở đây. Thế hệ thứ hai này chấp nhận giữ rừng bởi họ yêu thiên nhiên vô kỳ hạn. Họ miên man kể chuyện theo ba mẹ trồng rừng lúc nhỏ; tập lái vỏ lãi thế nào...
Họ rì rầm chuyện giữ rừng, tháng này đã phối hợp chốt đêm bao nhiêu lượt; có phát hiện động vật hoang dã; có phát hiện ai đốn rừng... Họ là những chiến sĩ tay không, từng chèo xuồng để trồng rừng, rượt lâm tặc.
Để rồi khi được hỏi tại sao lại bám trụ rừng, họ chỉ lắc đầu bảo bỏ không nỡ, về sông họ thấy khỏe; núp dưới tán rừng đước, họ được chở che. Quan trọng hơn, họ ý thức được nghề của mình tốt cho xã hội khi với nỗ lực của họ, rừng Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới năm 2000.
Chân trời rừng Cần Giờ là chân trời chung cho tất cả mọi người. Tôi không khỏi thán phục những người hùng đã yêu, chấp nhận hy sinh đời sống cá nhân để giữ “bức tường thành” của TP.HCM xanh mãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.