Thật hợp lý khi bỏ mặc một người bị nạn

03/03/2016 08:12 GMT+7

Những ngày qua, trên mạng xã hội râm ran câu chuyện về sự vô cảm của nhiều người trong vụ tai nạn ở phố Ái Mộ hôm 29.2, nạn nhân gồm ba người, trong đó bé Gia Hân, chỉ mới học lớp 1.

Những ngày qua, trên mạng xã hội râm ran câu chuyện về sự vô cảm của nhiều người trong vụ tai nạn ở phố Ái Mộ hôm 29.2, nạn nhân gồm ba người, trong đó bé Gia Hân, chỉ mới học lớp 1.
Khoảnh khắc hai ông cháu đi sát vào lề đường trước cú tông của chiếc xe hơi
Khi xem clip quay rõ cảnh chiếc xe Camry lao vào hai ông cháu đang đi sát lề phải, ông cụ và đứa nhỏ bị hất văng khỏi xe. Phía sau, một người đi bộ cũng đổ gục tại chỗ. Trên nhiều diễn đàn, người ta cắt lại khoảnh khắc cuối cùng của hai ông cháu, đứa cháu gái ngồi gọn trong vòng tay ông… Một thứ gì đó trôi tuột khỏi tầm tay, giá mà có thể hứng được đứa bé khỏi cú văng ấy, giá mà đứa nhỏ được cấp cứu đến bệnh viện và qua cơn nguy kịch. Mọi cái giá mà ấy giờ chỉ còn lại là thứ mà người cầm lái phải trả cho mất mát này.
Chúng ta không biết nói gì hơn khi chứng kiến sự nghiền nát mạng người chỉ vì một cú nhấn ga không kiểm soát. Một phút câm lặng để nghe mất mát đổ vào người, nhưng người ngoài cuộc như chúng ta hiểu thấu như thế nào về sự mất mát người thân của một kẻ khác?
Người mẹ đó có thể đánh đổi toàn bộ cuộc đời để đỡ được đứa con khỏi tay tử thần, người mẹ đó cũng có thể chịu đau thay cái gồng bụng của con để nó không phải ám ảnh. Thế nhưng, chẳng thể làm gì được khi người mẹ ở xa con mình trong tình huống nguy cấp. Sinh con ra, chịu đau đớn 9 tháng 10 ngày nhưng rồi khoảnh khắc đứa con tách khỏi thân thể mình, là lúc người mẹ chẳng thể nào bảo vệ con mãi mãi. Vì thế, đôi khi phải phó thác ở nơi người lạ.
Khi một đứa trẻ gặp nạn, tôi tự hỏi trái tim người đi đường có đủ vượt ra khỏi rào cản của nỗi sợ bị phiền phức để giúp đứa trẻ hay không? Đôi khi chỉ một cú dừng xe có thể kịp để cứu không chỉ một mạng người mà là nỗi đau của cả gia đình, đặc biệt là người mẹ đã sinh thành đứa trẻ ấy. Trong trường hợp này, chị Ly – mẹ bé Hân - vừa trải qua nỗi đau mất chồng cũng vì tai nạn giao thông vào năm kia.
Chúng ta có thể chia sẻ với người khác mọi nỗi buồn, nhưng không thể gánh giúp họ một cái chết. Chúng ta có thể lấp đầy mọi nỗi cô đơn, nhưng không thể mang trả lại một người đã ra đi trong lòng họ. Vì thế, đừng rơi nước mắt khi mình là người ngoài cuộc, cũng đừng lên tiếng chửi rủa những người không dừng xe lại ngày hôm đó hay dội nước lạnh vào mặt cô giáo chia sẻ câu chuyện của đứa bé. Bản thân mỗi chúng ta đều là kẻ ngoài cuộc của một người bị mất con mình. Nếu sự kết nối đã không chọn ngay thời khắc đứa trẻ bị nạn và chúng ta dừng xe lại cứu thì xin đừng rơi nước mắt khi đưa tiễn em về nơi an nghỉ cuối cùng.
Điều có thể làm là tìm ra đúng người, đúng tội và hãy xem lại đoạn clip ấy để nhớ rằng mạng người có thể bị hất tung trước đầu xe ta và chính ta cũng có thể bị văng ngã bởi sự bất cẩn của người khác.
Còn nỗi sợ bị liên lụy, phiền phức có khi bị gán cho tội là người gây ra tai nạn có thực là một sự đe dọa hay không? Tôi đã từng viết về câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Đông, sống tại Vĩnh Phúc, đã dừng xe cứu người bị tai nạn trên đường. Anh kể: "Thấy người bị tai nạn, tôi liền đi chậm tạt vào lề thì mọi người nói đã vẫy rất nhiều xe nhưng không ai dừng lại. Tôi liền dừng hẳn xe gọi mọi người hộ tống người bị nạn lên để tôi chở đến bệnh viện. Vì anh ấy bị thương rất nặng nên có thêm khoảng bốn người đi cùng chở anh đến bệnh viện".
Anh Phạm Tuấn Anh được anh Nguyễn Ngọc Đông dừng xe chở đi cấp cứu và qua cơn nguy kịch
Và trong suốt cuộc hành trình đưa người gặp nạn đến bệnh viện, anh cùng 4 người khác chẳng nghĩ điều gì ngoài việc làm sao cứu người đang đổ máu trước mặt mình. Tôi hỏi anh Đông có sợ không khi cứu người, lỡ họ chết trên xe mình hay bị phiền lụy thì sao, anh giải thích vì anh đã từng cứu người một lần trước đó, chắc vì thế mà thành phản xạ có điều kiện. Trong lòng cũng không gợn một nỗi sợ nào vì anh tin mình có thể tiếp thêm may mắn cho người bị nạn ấy.
Trò chuyện với cha nạn nhân qua điện thoại, tôi còn nhớ như in giọng nói của ông lão giọng ồ ồ lặp đi lặp lại cảm ơn chàng trai kia vì đã dừng xe cứu con ông, nhờ vậy mà con ông qua cơn nguy kịch.
Chúng ta đều cho rằng dừng xe cứu người sẽ bị liên lụy, dính đến trách nhiệm, thậm chí là bị… dơ xe. Chưa kể, nhiều người thoái thác cho sự bỏ đi của mình trong câu chuyện của bé Gia Hân bằng những lý lẽ về phương pháp sơ cấp cứu ban đầu và thậm chí “ném đá” cô giáo của em khi cô ra sức kêu gọi người dân dừng xe cứu giúp.
Trước sức ép của dư luận, cô giáo bé Hân đã viết những dòng buồn bã: “Sáng qua trước khi đến nhà tang lễ để đưa con về cõi vĩnh hằng, mình tập trung học sinh và đi dọc hàng quân lớp con rồi đếm... Lớp con sĩ số thiếu 1. Dù đã xác định con mất rồi, dù chính tay mình cùng người nhà ký bảo lãnh bảo hiểm y tế để bệnh viện cho nhận thi thể con về... Vậy mà mình vẫn đếm... Mọi người có hiểu cảm giác của mình không?! Sao nỡ trách mình cứu không đúng cách là tiếp tay giết con...?!”
Vậy đó, chúng ta ngồi ở nhà, thông qua màn hình máy tính và ném mọi thứ về phía người trong cuộc. Chúng ta không chỉ chửi những người không dừng xe mà chửi luôn cả cô giáo gào thét để xin một xe cấp cứu chở đứa nhỏ vào bệnh viện. Sự vô cảm có thật chỉ hiện diện nơi những người lướt qua con phố Ái Mộ ấy không hay còn nằm trong những câu chữ lạnh lùng của người ngoài cuộc?
Chúng ta không dừng lại cứu một đứa trẻ nhưng đã lo sợ đụng vào sẽ khiến em gãy chỗ này, chấn thương chỗ kia. Sẽ ra sao nếu anh Đông trong câu chuyện tôi kể cũng vì lý do không biết sơ cấp cứu mà nhấn ga rồ đi bỏ mặc nạn nhân đổ máu giữa đường? Hãy thử hỏi những người đã nuốt trôi sự sợ hãi và bao nhiêu đe dọa mà người ngoài rót vào tâm trí mình thử, họ có sợ khi cứu người không?
Nỗi sợ và ám ảnh chỉ đến khi ta lướt qua một thân xác đang hấp hối giữa đường nhẹ tênh như không rồi hôm sau đọc tin trên báo chí thấy cũng chính thân xác ấy được đắp chiếu và người thân của họ gào khóc.
Mọi nỗi sợ và lý lẽ của người lớn đều hợp lý để bỏ mặc một đứa trẻ phải gồng bụng, lắc đầu hứng chịu cơn đau sau cú đâm của chiếc xe hơi. Và, một đứa trẻ đã mãi không đến trường, một lớp học sẽ luôn vắng mất một thành viên và một thiên thần nhỏ đã gãy cánh và từ biệt cuộc đời trong chính những nỗi sợ của người lớn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.