Phẫn nộ kiểu làm du lịch 'chém được ai thì chém'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
11/10/2018 10:12 GMT+7

Đánh giày giữa Sài Gòn theo kiểu trấn lột du khách, choàng gánh dừa lên vai khách rồi 'chặt chém'... những sự thật đáng buồn về kiểu làm du lịch kiếm tiền theo kiểu ăn xổi xảy ra ở nhiều nơi.

Một người Hạ Long bị 'chặt chém' ở quê nhà
'Hạ Long hay chặt chém lắm. Liệu mình có bị 'làm thịt' không?', bạn tôi, một người TP.HCM e dè khi nghe tôi đề nghị chúng tôi sẽ ra quán ăn tối.
"Trời, em là người Hạ Long chính gốc, sợ cái gì", tôi tuyên bố.
Tôi vẫn nhớ đó là một quán lẩu và các món hải sản ở tầng trệt của khu tập thể cũ P.Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long. Chúng tôi gọi nghêu hấp sả, tu hài nướng mỡ hành. Nghêu lẫn sả, ớt đựng trong cái tô nhỏ, nhặt vài con đã hết. Tu hài được 5 con, mỗi con bằng hai đầu ngón tay. Lúc tính tiền thì giật nảy mình, 450.000 đồng, cho hai món ăn.
Đó là câu chuyện của năm 2015, tức là 3 năm trước. Quán đó giờ đã dẹp hay chuyển sang đâu không rõ, khi khu tập thể cũ bị phá dỡ. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt kinh ngạc của người bạn tôi ngày hôm đó, trong ánh đèn vàng le lói một tối Hạ Long tháng 3.
Năm 2016, chúng tôi tới chợ Cái Dăm, thuộc P.Bãi Cháy để mua hải sản. Rút kinh nghiệm, không ăn hàng nữa, mua về nấu cho chắc. “Liệu có bị chém tiếp không?”, bạn tôi vẫn e dè. “Em là người Hạ Long, người bản địa lại bị chém thì ra thể thống gì”.
Chúng tôi hỏi mua sò huyết, “liệu có con nào chết không chị?”. “Chết chết cái gì mà chết, sò nhà người ta ngon như thế này chết chết cái gì. Không biết nhìn hả. Mở hàng mà nói năng thế à, 200 nghìn một cân, mua mấy cân đây?”. Bạn tôi sợ hãi không thốt lên lời. Tôi nhìn khuôn mặt “hổ báo” của người phụ nữ to béo phốp pháp đang cầm cái đĩa cân chao đi chao lại giữa chợ mà run, đành lấy 1 kg. Kết cục, toàn bộ số sò mua về đã chết ngóm từ đời nào, chúng tôi vừa cho lên bếp đã thấy mùi hôi khó chịu của hải sản chết tỏa ra.
“Em là người Hạ Long chính gốc, sợ cái gì” trở thành một câu nói đùa quen thuộc kèm theo tràng cười rất hả hê của bạn tôi, mỗi khi chúng tôi đi chợ hay vào một nhà hàng nào đó ở quê mình.
Tôi vào TP.HCM sống, lâu rồi không có dịp đi chợ hay ăn quán hàng nào ở Hạ Long. Tuần trước về thăm quê, cô bạn thân nói muốn vào chợ Cái Dăm để mua mực sấy khô về làm quà cho gia đình, người bán nói giá mà không thèm nhìn mặt khách, kiểu rất khó chịu: “Năm trăm rưỡi một cân, có mua thì mới lấy cho mà xem không thì mất thời giờ”. Tôi chạy sang hàng gà, mua một con đã làm sẵn và nhờ chặt ra từng miếng giúp. “20.000 đồng tiền công chặt nhé”, tôi tưởng bà bán hàng nói đùa. Lúc đưa tiền, bà gườm gườm: “20.000 nữa đâu? Thôi khỏi, lần sau nhớ ghé mua tiếp”. Tôi và cô bạn chạy suýt tuột dép, làm gì còn lần sau nữa mà hẹn.
“Hạ Long nhà mày lạ nhỉ, kiểu không muốn bán hàng à? Hay là họ giàu có quá rồi nên kiêu?”, bạn tôi bất bình. Tôi không biết trả lời sao nữa. Chính bản thân tôi, người dân sinh ra và lớn lên ở nơi này còn có lúc kinh ngạc và sợ hãi trước văn hóa bán hàng ở giữa thành phố du lịch được biết đến cả trong nước và quốc tế.
Chặt chém nhiều nơi
Thật đáng buồn, khi mà du khách ở cả trong nước và nước ngoài, trước khi đi đâu, đều phải xem lại danh sách những tỉnh thành có tiếng là "chặt chém", giống như người ta nhìn vào một bản đồ nơi nào có món gì ngon, cảnh gì đẹp vậy.
Du khách bối rối khi bị ép mua dừa giá cao Trần Tiến
Sài Gòn, đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam, vẫn có những kiểu "cướp cạn" từ người đánh giày, tới người bán dừa. Tại Hà Nội, tôi cũng nhiều lần chứng kiến những người bán rong chuỗi hạt, trái cây cứ choàng gánh hàng rong vào vai du khách, chụp mấy kiểu ảnh và bắt họ trả tiền.
Ở Hạ Long, dần dần, tôi cũng không còn lạ với những bản tin trên nhiều tờ báo là một đoàn khách nào đó bất chợt bị chém đẹp với tờ hóa đơn khủng sau bữa ăn đạm bạc trên tàu thăm vịnh. Người quen nào từ nơi khác muốn thuê tàu thăm vịnh Hạ Long tôi cũng khuyên nên tìm hiểu kỹ dịch vụ và giá cả cho các món ăn, thức uống trên tàu. Tới một nhà hàng lạ nào, cũng nên nhìn kỹ thực đơn có niêm yết giá để không bị “hớ”.
Nhiều năm qua đi, hạ tầng Hạ Long hay nhiều thành phố của Việt Nam đều ngày càng hiện đại hơn, cao ốc mọc lên như nấm, dịch vụ vui chơi giải trí cũng phát triển rầm rộ… Thế nhưng văn hóa người làm du lịch thì vẫn dậm chân tại chỗ.
Bất cứ thành phố nào hoặc quốc gia nào, con người luôn là trung tâm của sự phát triển. Dù một vùng đất có đường sá, nhà hàng, khách sạn, công viên… hiện đại như thế nào đi chăng nữa nhưng con người vẫn giữ tư duy lạc hậu, không hội nhập, luôn muốn kiếm tiền theo kiểu “ăn xổi”, “chém được ai thì cứ chém” thì mọi nỗ lực phát triển đều thất bại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.