Nỗi buồn 'treo' điện

Quế Hà
Quế Hà
06/07/2019 06:15 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) đề nghị Tập đoàn điện lực VN (EVN), Bộ Công thương can thiệp khi các nhà máy điện gió bị “treo” điện.

Đầu tư hàng nghìn tỉ đồng và bằng cả tâm huyết để có được một nhà máy điện, nhưng sản phẩm làm ra không được mua. Nói cách khác, cả bên bán và bên mua đều “lực bất tòng tâm”. Nguyên do không phải do “anh” mua, càng không phải vì “anh” bán.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 chỉ có 850 KW điện mặt trời. Nhưng chỉ trong hai tháng 5 - 6.2019, có tới 82 nhà máy điện mặt trời đóng điện với hơn 4.000 MW (gấp nhiều lần so với quy hoạch của năm 2020). Riêng khu vực miền Trung, Bình Thuận và Ninh Thuận có hàng chục nhà máy đấu nối hệ thống truyền tải quốc gia chỉ trong vòng... 2 tuần. Trong khi đó, đường dây truyền tải ở khu vực này chưa được đầu tư nâng cấp.
Một nhà đầu tư ở Bình Thuận từng nói “lãng phí nguồn lực xã hội” là hoàn toàn có cơ sở. Không lãng phí sao được khi có đến 20 nhà máy điện mặt trời ở tỉnh này đã đóng điện vào hệ thống truyền tải quốc gia chỉ trong vòng 2 tháng (chưa kể các nhà máy ở Ninh Thuận nằm sát đó). Trong khi hệ thống truyền tải lại không được đầu tư nâng cấp. Lỗi này thuộc cơ quan quy hoạch điện, cơ quan quản lý nhà nước. Thay vì cái gốc là phải có đường truyền trước, rồi mới đóng điện; đằng này, không có đường truyền vẫn cho đóng điện.
Hiện nay ngành điện đang tập trung thay dây tuyến Lương Sơn - Phan Rí - Tuy Phong. Nhưng việc thay dây cũng chỉ tải được khoảng 30% công suất của các nhà máy. Để làm thêm tuyến đường dây mới, ít nhất 2 năm nữa mới hoàn chỉnh. Việc cắt giảm công suất của các nhà máy (khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận) là bắt buộc.
Trong khi hằng năm, hệ thống của cả nước vẫn cần bổ sung tới 4.000 KW, thì việc sa thải nguồn điện sạch trong 2 năm nữa là điều quá lãng phí!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.