Mẹ mà không phải mẹ

21/03/2016 08:14 GMT+7

Sắp tới sẽ có hơn 50 ca mang thai hộ chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội. Cũng có khoảng 20 em bé khác sắp ra đời ở Bệnh viện Từ Dũ. Những người mẹ mà không phải mẹ ấy sẽ như thế nào?

Ngày 18.3, anh em phóng viên chúng tôi nóng lên với thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ: nơi đây vừa có một cặp song sinh nhờ mang thai hộ chào đời. Hai bé trai đã được sinh ra khỏe mạnh trong niềm vui của cả gia đình và của Bệnh viện Từ Dũ, nơi đã chuẩn bị nhiều năm trời để có được ngày này.
Cặp song sinh chào đời nhờ mang thai hộ tại Bệnh viện Từ Dũ
Phương pháp can thiệp mang thai hộ không phức tạp và đã phổ biến trên thế giới từ lâu. Nhưng mãi tới gần đây Việt Nam mới chứng kiến những ca đầu tiên. Thời gian kéo dài là bởi, vì nhiều lý do, Nghị định quy định về kỹ thuật mang thai hộ phải được bàn thảo rất nhiều mới chính thức được áp dụng năm 2015.
Chưa kể sau đó, những người có nhu cầu phải trải qua sự kiểm tra cực kỳ kỹ lưỡng để đáp ứng về pháp lý và đạo đức. Chỉ mới đây, vào tháng 1.2016, Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội đón em bé chào đời nhờ mang thai hộ đầu tiên của cả nước. Ca tại Bệnh viện Từ Dũ là ca thứ hai và là cặp song sinh đầu tiên.
Khi tiếp xúc với trường hợp cụ thể mới thấy bao điều nhạy cảm. Luật quy định người mang thai hộ phải là người trong họ hàng và phải cùng hàng về quan hệ máu mủ như chị em ruột, chị em họ. Điều ấy dẫn đến một trường hợp xảy ra thường xuyên là đứa trẻ lớn lên giữa hai người mẹ: một người mang nặng đẻ đau và một người mẹ sở hữu trứng để em bé được thành hình. Đứa trẻ lớn lên, cả hai người mẹ sẽ ra sao? Không ai có thể đoán trước được.
Chị M., người được nhờ mang thai hộ của cặp song sinh vừa qua, nói mình cũng không biết sau này sẽ thế nào. Chị là chị họ của cặp vợ chồng không thể có con, nhà hai bên chỉ cách một cái hàng rào. Chị đã trải qua hai lần sinh nở, mất một con trai. Mang nặng đẻ đau bào thai đặc biệt này, chị vẫn còn thấy rất bỡ ngỡ. Áp lực đầu tiên không phải từ bên ngoài mà chính từ đứa con trai 10 tuổi của chị. Con chị cứ thắc mắc suốt ngày: “Sao mẹ lại có bầu?”. Chị quyết định nói hết tất cả cho con.
Ngay cả hiện tại, khi đã sinh xong, cả chị và cặp vợ chồng người em họ cũng đang bối rối. Họ vẫn không biết sau này con sẽ xưng hô với chị như thế nào.
Ngày hai trẻ được sinh ra, có một điều bối rối khác mà quá trình tư vấn tâm lý kỹ lưỡng của bệnh viện trước đó cũng chưa đề cập được. Đó là chuyện em bé có bú sữa mẹ hay không? Đương nhiên là khoa học đã chứng minh sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Nhưng ở trường hợp này, người mang thai hộ cho bú lâu dài thì mối dây liên hệ giữa đứa trẻ và họ càng gắn chặt, thậm chí hơn xa so với người mẹ thật sự. Chỉ có thể giải quyết tùy vào thỏa thuận từ hai phía. Sự bối rối ấy vẫn còn quanh quẩn với cặp song sinh mới ra đời. Và hai em bé vẫn còn nằm ở phòng chăm sóc mà không biết mình có được bú sữa mẹ hay không!
Và những đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào khi mang theo mình một thân phận đặc biệt? Cách tốt nhất, có lẽ là theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Từ Dũ, theo kinh nghiệm mang thai hộ của nhiều nước, em bé ra đời nhờ mang thai hộ nên được giải thích rõ ràng, không giấu diếm. Vì nếu càng giấu, đứa trẻ khi lớn lên sẽ càng có suy nghĩ không tích cực.
Sắp tới sẽ có hơn 50 ca mang thai hộ chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội. Cũng có khoảng 20 em bé khác sắp ra đời ở Bệnh viện Từ Dũ. Sẽ là những tin mừng liên tiếp nối theo nhau.
Nhưng những người mẹ mà không phải mẹ ấy sẽ như thế nào? Rời Bệnh viện Từ Dũ, tôi vẫn luôn mang theo suy nghĩ ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.