Khi người anh trai quỳ gối...

Thúy Hằng
Thúy Hằng
03/11/2020 06:32 GMT+7

Khi tới gian nhà trọ của Gia Hưng và Gia Lâm ở Q.10, TP.HCM, hai anh em song sinh 8 năm cõng nhau tới trường , có những thứ nhỏ bé cứ khiến tôi nhớ mãi.

Gia Lâm phải cắt bỏ một nửa cả tứ chi khi chưa đầy 2 tuổi vì chứng Fallot, một dạng phức tạp của bệnh tim bẩm sinh. 10 năm trời, 3 mẹ con lấy Viện Tim TP.HCM làm nhà. Mẹ bán nước giải khát trong bệnh viện, hai anh em dạy nhau viết chữ, xúc cơm, uống nước.
Tới khi đi học, anh cõng em tới trường. Khi đã được tặng chiếc xe lăn, Hưng vẫn chìa lưng để cõng em từ sân trường lên mấy tầng lầu, vào lớp học. Bạn cùng lớp kể, nhiều hôm Hưng chỉ dám mua một phần mì, đợi khi nào em ăn thừa sẽ ăn, còn không nhất định nói “anh không đói”.
Mọi chi tiêu trong nhà Lâm trông chờ vào xe đậu nành của mẹ, đến cái giường tầng cho mấy mẹ con nằm cũng được trả góp mỗi tháng 10.000 đồng, nhưng thương các em nhỏ miền Trung bão lũ, Lâm nhờ một người mẹ nuôi bán 2 chiếc áo có chữ ký các cầu thủ đội tuyển Việt Nam để mua sách vở tặng các bạn. Đến nay, số tiền các nhà hảo tâm góp mua áo lên tới gần 100 triệu đồng.
Người giàu nhất chưa hẳn đã là người có nhiều tiền bạc nhất. Trong hoàn cảnh nào, người ta cũng có thể làm được điều ý nghĩa cho cuộc đời. Tôi giơ máy ảnh, nói muốn xin 2 em một tấm ảnh chung. Lâm cười toe, đứng dưới sàn nhà bằng 2 đầu gối. Hưng chạy tới bên em, lùi lại một bước và bất ngờ quỳ xuống, để 2 anh em cao bằng nhau.
Sự lương thiện, biết nghĩ tới người khác của Lâm, cậu bé mất gần hết tứ chi, khiến tôi xúc động. Nhưng tình anh em, sự yêu thương người anh dành cho cậu em trai của mình khiến tôi rung động không kém. Chúng ta đều không thể chọn được hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng hoàn toàn có thể chọn cho mình một thái độ, nhân cách sống ở đời. Trong gian nhà chật hẹp, giữa lớp bụi phố phường hay trong khu ổ chuột chật chội, luôn luôn tồn tại những điều tử tế...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.