Hương mùi già ngày tết

23/01/2017 08:15 GMT+7

Tôi vừa đi qua chợ Bưởi, Hà Nội và thấy lướt qua trước mặt mình một phụ nữ có chiếc làn đỏ, trong đó là rau củ quả và một bó mùi già. Lướt qua thôi mà thơm nao nức.

Những ngày tết anh em tôi còn nhỏ, mẹ đi chợ về, bên cạnh thịt cá, bánh kẹo cho mấy ngày (ngày trước chợ phải đến mùng 3, mùng 4 tết mới họp trở lại, không sẵn mọi thứ như bây giờ), lúc nào cũng có mấy bó mùi già.
Rau mùi (người Sài Gòn gọi là ngò rí) được bà con nông dân để cho lên cao, trổ nụ, trổ hoa rồi nhổ cả rễ, bó lại thành từng bó.
Ở nhiều tỉnh thành miền Bắc thường có tục lệ, chiều cuối năm, cả nhà nấu một nồi nước thật lớn, bỏ mấy bó mùi già đã rửa sạch vào để dùng làm nước tắm. Mẹ chúng tôi nói đó là phong tục “tắm tất niên” rũ bỏ mọi nỗi buồn và những vận xui năm cũ, chào đón một năm mới.

tin liên quan

Ký ức ngày xuân: Dựng nêu đón tết
Nhớ hồi nhỏ ở quê, ấn tượng của tôi về ngày tết cổ truyền là cây nêu dựng ở đình làng, các nhà thờ tộc hoặc những gia đình giàu có trong làng. Làng quê chưa có lầu cao nên ở xa cả cây số vẫn thấy cây nêu làng sừng sững. 
Sáng mùng 1 tết, khi cả nhà thức giấc, đã thấy thơm ngát mùi nước lá mùi. Mẹ nói nên rửa mặt để lấy may, đón những điều tốt đẹp. Những ngày đầu năm rét buốt, ngửi mùi thơm ngan ngát dễ chịu của nồi nước ấm đã thấy tinh thần tỉnh táo, sảng khoái.
Thật kỳ lạ, giống mùi già có mùi thơm rất đặc biệt, cây càng khô lại càng thơm, chỉ đi ngang qua ai đang xách bó lá thô mộc ấy thôi là biết ngay. Hương thơm không nồng, đặc; nó nhẹ và mát, đánh thức mọi giác quan.
Mùi già ngày xưa chỉ bán trong những buổi chợ cuối năm và đầu năm mới. Cứ thấy mùi già là thấy tết. Bây giờ, tôi cũng không biết thấy điều gì để nhận ra là tết đang về nữa.
Chúng tôi lớn lên, đi làm, mỗi ngày trưởng thành càng thấy mọi thứ đã sẵn sàng cho tất cả các dịp trong năm.
Hoa đào nở sớm, bánh chưng bán quanh năm ngày tháng, giò chả thịt thà lúc nào cũng tú hụ trong các chợ và siêu thị, bánh mứt tràn ngập khắp các cửa hàng và “chợ online”, quần áo mới thì như một lẽ dĩ nhiên, chợ họp đến chiều 30, có khi sáng mùng 1 đã có nhà mở hàng. Sự đủ đầy khiến cho chúng tôi quen với lời than thở của bạn bè, đồng nghiệp và cả những cháu học sinh mới đang tiểu học “sao năm nay không thấy không khí Tết gì nhỉ”.
Tết với những người xa gia đình như chúng tôi, là khoảnh khắc người thân ngồi bên nhau, gói bánh chưng xanh T.H
Hình như phải thiếu thốn, phải từng khó khăn, người ta mới thấm thía những giá trị vững bền và thiêng liêng như ngày tết?
Nhưng, hôm nay, một ngày thong thả đi qua chợ Bưởi, tôi thấy người ta chen nhau mua hoa, cây cảnh. Đi ngang đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nghi Tàm, tôi thấy hoa đào bán hồng rực đường, ai cũng náo nức sắm cho mình một cành hợp nhất với căn nhà, nhỏ to không quan trọng. Trong gió thoang thoảng qua, man mác một mùi nhang rất ngọt. Hình như là tết đến thật rồi!.
Chúng ta quá bận rộn để nhận ra những hạnh phúc giản dị đang ở quanh mình. Chỉ tiêu, con số, định mức, những ước mơ nhà cửa, xe cộ, mỗi khi ta lớn càng nhấn chìm những hạnh phúc con con của một thời như được về nhà đoàn tụ, nấu một mâm cơm, nói vui những câu chuyện đầu năm.
Tết, chẳng bao giờ thay đổi giá trị vĩnh cửu của nó, hàn gắn những khoảng cách xa xôi của 365 ngày để lại, thêm yêu thương, nhung nhớ cho 365 ngày kế tiếp. Vậy nên, những người xa gia đình cả năm như chúng tôi chẳng bằng lòng chút nào chuyện gộp tết tây chung với tết ta.
Mọi nẻo đường đã chộn rộn lắm rồi. Về nhà thôi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.