Học triết lý của người mù

Như Lịch
Như Lịch
01/07/2019 07:21 GMT+7

Trong hoàn cảnh nào đi nữa, thái độ sống tích cực mới là điều quan trọng, có thể giúp ta tìm ra cơ hội trong khó khăn.

Khi viết loạt bài Sống không đôi mắt (đăng trên Thanh Niên từ ngày 24 - 29.6), tôi ấn tượng với những câu nói lạc quan của người khiếm thị: “Chúng tôi không bất hạnh, chỉ bất tiện thôi”, “Người khiếm thị có thể, hãy cho họ cơ hội”... Đó như những tuyên ngôn mạnh mẽ phản bác các định kiến tiêu cực lâu nay về người khiếm thị.
Tôi cũng có dịp gặp lại ông Phạm Đức Trung Kiên, Việt kiều Mỹ, người từng được trọng dụng qua ba đời tổng thống Mỹ (Reagan, Bush “cha”, Bush “con”). Doanh nhân thành đạt - nhà từ thiện nổi tiếng này luôn có những câu chuyện thú vị để chia sẻ. Nhưng lần này, điều lắng đọng nhất trong tôi chính là khi ông “khoe” rằng: “Mất thị lực hoàn toàn trong 4 năm nay chính là... món quà đặc biệt mà cuộc sống ban tặng cho tôi, để tôi có được những bài học thật đặc biệt”. Một trong những bài học hàng đầu, theo ông, là sự không kỳ thị. “Khi tôi gặp bất kỳ người nào, tôi không bị vẻ bề ngoài của họ ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình. Tôi đối xử mọi người như nhau”, ông nói.
Theo ông Kiên, có nhiều người nhìn vào sự mù lòa của ông như một sự bất hạnh, đau đớn và khiến họ sợ hãi. Trong khi đó, bản thân ông không cảm thấy lo sợ gì. Ông chỉ nghĩ đơn giản: Từ nay, mình không còn nhìn gương nữa, không cần bật đèn phòng tắm và phòng làm việc. Tôi tò mò: “Trước đây, khi động viên những sinh viên khiếm thị, ông luôn khẳng định không có giới hạn nào khác ngoài bầu trời. Bây giờ, ông có thay đổi suy nghĩ đó?”. Ông Kiên trải lòng: “Bốn năm rồi, tôi không nhìn thấy mặt con mình, không biết được sự thay đổi của con. Con sún răng, tôi chờ nó ngủ để rờ mặt… Đó là nỗi buồn riêng, nhưng không phải là giới hạn. Mình vẫn có thể đóng góp được cho xã hội, lo được cho bản thân và gia đình”.
Chợt nhận ra, trong hoàn cảnh nào đi nữa, thái độ sống tích cực mới là điều quan trọng, có thể giúp ta tìm ra cơ hội trong khó khăn. Như cách quan niệm của ông Kiên và những người lạc quan: “Cuộc đời không phải ly nước đầy mà là nửa đầy nửa vơi. Ly nước của tôi luôn là nửa đầy!”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.