Hệ lụy titan

Quế Hà
Quế Hà
04/10/2019 06:00 GMT+7

Vụ việc một công nhân tử vong do sụt lún ở công trình mỏ khai thác titan tại xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình, Bình Thuận) vào ngày 30.9 chỉ là một câu chuyện rất nhỏ trong “chuyện lớn” về titan ở Bình Thuận hiện nay.

Do vị trí địa lý, Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi nhiều khoáng sản, trong đó có titan - thứ khoáng sản quý hiếm, nằm dày đặc dưới tầng cát đỏ trải dài 192 km ven biển của tỉnh này. Hiện nay, Bình Thuận đang có đến hàng chục dự án, điểm dự án chồng lấn lên khu vực khai thác titan. Chính vì vậy, UBND Bình Thuận đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh từ 26 khu vực xuống còn 13 khu vực (tổng cộng 9.800 ha).
Lý do mà UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra để đề nghị Chính phủ điều chỉnh (giảm bớt) là do chồng lấn lên các quy hoạch khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, nhất là từ phía các bộ, ngành tham mưu vì lo ngại gây thiệt hại cho doanh nghiệp đã được cấp phép. Trong khi đó, việc khai thác titan ở Bình Thuận vẫn chỉ là khai thác thô với công nghệ lạc hậu (đào, đãi); chưa có nhà máy nào chế biến sâu titan, nên việc xuất khẩu vẫn chỉ là sản phẩm thô, giá trị kinh tế thấp.
Tại hội thảo đánh giá tiềm năng titan, do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức năm 2017, các nhà khoa học cho rằng việc khai thác titan đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là phá hủy hệ sinh thái ven biển, phá hủy nguồn nước ngầm. Nhiều dự án khai thác titan đang vấp phải sự phản ứng gay gắt, không đồng thuận của người dân địa phương... Nếu dùng dằng, không có giải pháp cho vấn đề khai thác titan ở Bình Thuận, hậu quả không chỉ là ảnh hưởng đến môi trường, như cảnh báo của các nhà khoa học, mà còn làm mất đi nguồn tài nguyên quý giá cho con cháu đời sau.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.