GS Trương Nguyện Thành: Giữa dòng đi - ở

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
13/05/2018 13:13 GMT+7

Ngày 4.5, GS Trương Nguyện Thành viết đôi lời trên Facebook cá nhân sau khi viết một bức thư chia tay cán bộ - công nhân viên (CB-CNV) của Trường ĐH Hoa Sen để rời vị trí Phó hiệu trưởng.

Ông nói “tạm biệt VN”, quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục ĐH ở Việt Nam và quay trở lại giảng dạy, nghiên cứu ở ĐH Utah (Mỹ).
Khoảng 11 giờ đêm ngày 3.5 ở Mỹ (sáng ngày 4.5 ở Việt Nam), từ Mỹ, GS Trương Nguyện Thành nhắn cho tôi về kết quả không công nhận hiệu trưởng của mình. Lý do ông chia sẻ có lẽ vì tôi đã hỏi nhiều lần về kết quả này. Ông đã biết kết quả trước đó, nhưng giữ im lặng, đến lúc này mới báo cho tôi biết sau khi viết thư chia tay gửi đến CB-CNV trong trường.
Trong ngày 4.5, Thanh Niên cùng nhiều tờ báo khác đăng tin này. Lập tức, một “cơn bão dư luận” nhanh chóng dấy lên mạnh mẽ. Đa số mọi người tỏ ra tiếc nuối, nhiều trí thức trong và ngoài nước lên tiếng về sự bất cập của Điều 20 luật giáo dục ĐH quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng. Việc tự chủ của một trường ĐH cũng được đặt ra, khi Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Hoa Sen cho rằng GS Thành đủ điều kiện, đã có thời gian thử thách nên mới đề xuất công nhận nhưng lại bị từ chối. Thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và nhiều chuyên gia lập tức lên tiếng trên Báo Thanh Niên về điều bất cập này. Bộ GD-ĐT sau đó cũng chính thức đăng đàn nói về quy định, cho biết đang bàn thảo để chỉnh sửa theo hướng tự chủ hơn cho các trường ĐH.
Dĩ nhiên, trong “cơn bão dư luận” những ngày này, vẫn có không ít những ý kiến trái chiều khác. Đó là thắc mắc “muốn cống hiến thì làm cương vị nào cũng được, cần gì phải là hiệu trưởng”, “làm chuyên môn khoa học giỏi chắc gì là hiệu trưởng giỏi”, “10 năm làm ở Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, GS Thành không mang đến điều gì đặc biệt, làm hiệu trưởng cũng vậy thôi”…
Những ngày sau đó, GS Trương Nguyện Thành chọn cách im lặng như thái độ cần thiết. Ngay trong bài viết trên Facebook cá nhân, ông cho biết mình không có ý kiến gì về quyết định này. Nhưng với những điều đặt ra ở trên, dư luận rất tò mò, sẽ khó thỏa mãn khi ông chưa chính thức có đôi lời.
Ít ai biết về kế hoạch của ông là quay về Việt Nam để thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt cùng con trai mà hai cha con đã chuẩn bị trước đó cả năm trời. Hành trình bắt đầu ngày 10.5, đi xuyên qua nhiều tỉnh, dài hơn chuyến đạp xe trước đó của hai cha con xuyên miền Tây. Biết trước điều đó, tôi đề nghị ông trả lời phỏng vấn. Đó phải là một cuộc phỏng vấn không né tránh bất cứ điều gì đang gây thắc mắc cho bạn đọc. GS Thành cũng đồng ý vì nhận thấy nhiều người hiểu lầm quyết định của mình, cần phải có tiếng nói. Nhưng ông chủ động chọn lựa càng ít báo chí càng tốt, vì lo sợ lại gây hiểu lầm là mình dùng truyền thông để gây sức ép hoặc đánh bóng tên tuổi của mình. Ngày 8.5, khi vừa đến Việt Nam, ông trả lời vài câu với VTV. Ngày 9.5, ông gặp báo Lao Động để nói chủ yếu về mặt chính sách. Cũng trong ngày, GS Thành trả lời Báo Thanh Niên, không tránh né bất kỳ câu hỏi nào, chia sẻ mọi suy nghĩ xung quanh câu chuyện này.
Ông mặc một bộ vest khi gặp chúng tôi tại quán cà phê gần nơi ông ở tạm. Chúng tôi đề nghị ông không mặc áo vest để gần gũi hơn, đúng tính cách của ông, và đúng với nội dung chia sẻ thoải mái mọi điều trong buổi phỏng vấn này. Nội dung buổi trao đổi đã được đăng tải gần như trọn vẹn. Ông nói ông chỉ tạm gác việc đóng góp cho giáo dục Việt Nam để suy nghĩ lại tương lai sẽ tiếp tục ra sao, việc rời bỏ công việc không phải là bỏ cuộc mà chỉ là vị trí làm việc hiện tại theo thực tế không đủ để ông thực hiện ý định phát triển giáo dục của mình... Vị trí để triển khai ý tưởng, kinh nghiệm… cũng là điều mà trí thức Việt kiều cần. Ông nhắc nhiều lần rằng đây đã là phút 80 của đời mình, ông cần làm điều mà ông cho rằng có hiệu quả nhất. Ông khẳng định mình tôn trọng luật pháp; không phải là người đặc biệt, không nên có bất kỳ sự đặc cách nào dành cho ông mà đi ngược với luật pháp hiện hành.
Chỉ có vậy! Rõ ràng, GS Trương Nguyện Thành chỉ 2 lần thể hiện quan điểm giữa “cơn bão dư luận” bùng phát mạnh mẽ. Hai lần xuất hiện, nếu xét cho cùng, đều mang đến điều tích cực. Nó làm cho cái nhìn của cơ quan quản lý nghiêm túc hơn về sự trói buộc của luật giáo dục ĐH, khiến những người làm chính sách phải chú ý nhiều hơn đến sự tự chủ ĐH đang còn yếu kém, khiến lãnh đạo cơ quan Nhà nước nhìn nhận kỹ hơn đến việc thu hút trí thức Việt kiều. Sau đó, ông rút đi hoàn toàn để thực hiện kế hoạch đạp xe đã lên lịch của mình, không oán thán, chê trách, buồn vui, thất vọng. Như cụm từ “hư không trước mọi chuyện” ông dùng để miêu tả tâm thế của mình.
Nhưng những dè bỉu, chê bai, nghi ngờ… vẫn tiếp tục. Dù ông đã trả lời tất cả những thắc mắc, căn vặn về quyết định của mình trên mặt báo. Điều đó không tránh khỏi. Ông buộc phải chấp nhận. Một làn gió mới thổi qua giáo dục, qua truyền thông, qua xã hội bao giờ cũng có những lực cản đường.
Trong kinh Phật có một câu chuyện rất ý nghĩa. Có một vị hòa thượng già dẫn theo một tiểu hòa thượng đi thỉnh kinh. Trên đường đi, họ gặp một con sông. Cũng chính tại đó, họ gặp một phụ nữ rất muốn sang sông nhưng không dám lội xuống nước. Không chút đắn đo, lão hòa thượng liền chủ động cõng người phụ nữ đó và đặt cô ta xuống sau khi đã đến bờ bên kia rồi tiếp tục cùng tiểu hòa thượng lên đường. Trên đường đi, tiểu hòa thượng cứ mãi lăn tăn, lẩm nhẩm trong đầu một câu hỏi: "Sư phụ làm sao vậy? Sao người lại dám cõng một phụ nữ qua sông?". Vừa đi vừa nghĩ, cuối cùng, không thể nhẫn nại thêm được nữa, tiểu hòa thượng mới hỏi: "Sư phụ, người phạm giới rồi, tại sao người lại cõng phụ nữ?". Hòa thượng già thủng thẳng đáp: "Ta đã đặt cô ta xuống từ lâu rồi, còn con, đã đi một đoạn đường dài như vậy, con vẫn chưa bỏ được cô ta ra khỏi đầu sao?"
Sau hai lần dậy sóng dư luận, một lần mặc quần đùi lên giảng đường nói về khai mở và sáng tạo, một lần quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho giáo dục Việt Nam, GS Trương Nguyện Thành buông bỏ ngay mọi chuyện ra sau lưng. Vì ông đã chọn lựa và đã chấp nhận thực tế. Chỉ tiếc là những thiên kiến, định kiến về ông vẫn còn tồn tại ở nhiều người, như chú tiểu không thể bỏ hình ảnh cô gái ra khỏi đầu mình vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.