Gặp Chủ tịch nước vui lắm

08/12/2015 09:18 GMT+7

Có anh bạn hỏi tôi: “Đi viết bài Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri có khổ không?”. Không chút ngần ngại, tôi nói ngay: “Rất sướng!”.

Chuyện đầu tiên mà tôi thấy sướng là được chụp hình, gần gũi đứng bên cạnh nguyên thủ một cách thoải mái.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, ông Trương Tấn Sang được bầu làm Chủ tịch nước và là đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Trong các đợt tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước, tôi nhớ nhất và ấn tượng nhất là đợt tiếp xúc trước và sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 vào cuối năm 2012, bởi lần đầu tiên tôi trực tiếp nghe được phát biểu xoáy thẳng vào những vấn đề nổi cộm vốn đang gây bức xúc lớn.

Làm phóng viên nội chính, tôi đã có nhiều lần được gặp Chủ tịch nước

Hầu hết anh em phóng viên đều chăm chú ghi chép, nhưng cũng có một vài anh em thì thầm với nhau, là “mình có được chụp hình kỷ niệm với Chủ tịch nước không hè”. Mong muốn là vậy nhưng rồi có người tỏ ý ngần ngại: “Chắc là khó”. “Hay là mình thử đặt vấn đề một lần xem sao”, tôi thầm nghĩ. Lần đó, sau khi Chủ tịch nước trả lời chất vấn của cử tri, chuẩn bị rời khỏi hội trường Bảo tàng Tôn Đức Thắng ở TP.HCM, tôi mạnh dạn tiến lại gần: “Thưa Chủ tịch nước, anh em báo chí mong muốn được chụp hình kỷ niệm với Chủ tịch nước”. Tôi thật bất ngờ khi ông dừng lại, vui vẻ nói: “Dễ thôi!”. Vậy là anh em phóng viên liền đứng vây quanh, thay phiên nhau để chụp thoải mái luôn.

Ông còn dành thời gian chia sẻ lại những điều mà trước đó đã nói trước đông đảo cử tri, là báo chí không phải sợ khi đấu tranh chống tiêu cực. Ông dặn dò: “Làm gì cũng sợ hết thì chịu thôi, tôi cũng chịu thôi. Làm gì chỉ cần căn cứ vào việc Đảng có chủ trương không? Nhà nước có luật lệ không? Còn đồn thổi gì đó mà cứ ngồi sợ thì tôi biết thế nào được. Xã hội này không phải dưới sự trị vì của những người đồn thổi”.

Riêng tôi thì thấy đã nhất là lần đầu tiên được đứng sát bên nguyên thủ. Hóa ra anh em ai cũng muốn chụp hình cả nhưng lại e ngại không nói ra! Những tấm hình đó, mà tôi trộm nghĩ, là rất bất ngờ ấy, sau này có nhiều anh em sử dụng đăng lên một số báo, tạp chí với niềm vinh dự và cảm giác rất là thích thú. Kể chuyện này để thấy là trong quá trình tác nghiệp, tôi cũng như nhiều anh em báo chí có những kỷ niệm thật bất ngờ!

Nhưng sướng hơn cả việc được chụp hình, là được nghe những lời nói thẳng, đầy tâm huyết của một lãnh đạo cấp cao trên cương vị là đại biểu của nhân dân. Từ chuyện chạy chức chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, bất cập trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước…, khi có cử tri chất vấn, ông đều trả lời, mà tôi nghĩ, là trả lời hết sức thẳng thắn.

Nói về chuyện lòng tin của dân sụt giảm, ông bày tỏ: “Mà nghe hơi buồn lòng, hơi chạnh lòng là các đồng chí cũng không tin Trung ương lắm. Nghe cái này hơi xấu hổ. Cái này thì báo chí cứ đăng bình thường, đừng có giấu, để mỗi đồng chí Ban chấp hành Trung ương phải tự suy nghĩ, phải tự răn mình để sửa. Cái gì mình cũng giấu giếm là không được đâu”. Ông khẳng định những hạn chế, yếu kém cứ tồn tại kéo dài gây bất bình là do “mình không dám nói sự thật. Mảng tối, mảng kém không được phơi bày, phân tích kỹ”.

Và ông trải lòng: “Đối với những việc chưa làm được, Đảng và nhân dân phê bình thì phải nghiêm túc sửa chữa, không nên né tránh. Chúng tôi rất thích thú khi gặp quý cô bác, anh chị trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, ngoài việc hiến kế để xây dựng đất nước, khi nghe thông tin gì mà cảm thấy không vừa lòng thì cứ hãy phê phán trực tiếp chúng tôi. Dù báo chí có đăng tải cũng không sao, không có vấn đề gì cả. Điều quan trọng là ngày hôm qua có thể bị lỗi lầm nhưng ngày hôm nay là thành tựu, là ưu điểm, là tốt. Chứ ngày hôm qua thành tích ghê gớm nhưng ngày hôm nay trở thành một người không ra gì thì phải nói là đau khổ hơn nhiều”.

Ông cũng đồng cảm với kỳ vọng của đông đảo cử tri, là “để đi đến đích thì phải dẹp tiêu cực”. Ông cho rằng, trách nhiệm của người cầm lá phiếu phải có cách nhìn hết sức đầy đủ, khách quan, vô tư, công tâm, vì sự nghiệp của đất nước, chứ không phải vì sự nghiệp của cá nhân mình, lại càng không phải vì cái ghế mình đang ngồi. “Vì cái ghế mình ngồi thì chế độ sẽ suy vong. Muốn chế độ vững bền, xã hội vững bền thì cầm những lá phiếu đó phải rất trọng trách, cần thiết phải có dũng khí nhất định. Tôi hy vọng rằng các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân trên cả nước đừng để mất lòng tin của người dân”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng thẳng thắn trải lòng: “Càng nói chúng tôi càng thấy lỗi trách nhiệm của chúng tôi ghê gớm. Cai quản đất nước mà để lắm vấn đề thế này thì có lỗi ghê gớm. Trách nhiệm trước hết thuộc về chúng tôi. Mình phải nói lên sự thật, nói đúng sự thật cho người dân biết”.

Chia sẻ quyết tâm chống tham nhũng, Chủ tịch nước nói: “Chúng tôi luôn nhớ trước mặt và sau lưng chúng tôi là 90 triệu đồng bào. Chúng tôi mong muốn các đồng chí giúp chúng tôi tăng thêm trí tuệ, năng lực. Khi được bầu đến cương vị này, chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì. Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ. Thậm chí khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng... Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy. Đừng hòng tôi lấy thêm một mi li mét vuông đất nào của Đảng, của Nhà nước, nhưng Đảng và Nhà nước phân công mình thì mình phải làm tròn chức trách. Tính tôi nói rất là thẳng, chứ khiêm tốn cái kiểu mà về nhà ấm ức là không được. Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”.

Hôm rồi trong buổi tiếp xúc cử tri, ông tiếp tục nhấn mạnh về vấn đề trách nhiệm của một vị đại biểu, của những người nắm giữ trọng trách: “Ngày mai nghỉ, chiều nay nghỉ thì bây giờ mình cũng phải làm. 5 giờ chiều nghỉ thì 5 giờ kém năm, 5 giờ kém một cũng phải làm, chứ nói bàn giao cho khóa sau là hết sức tắc trách”.

Sau những bài tường thuật của tôi về các buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước, có bạn đọc đã comment: “Giá như lãnh đạo nào cũng thẳng thắn nhận ra những điều Chủ tịch nước nói thì tốt biết bao…”. Cá nhân tôi cũng mong như thế…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.