Đừng quên trẻ nhập cư

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
22/05/2021 05:49 GMT+7

Trong bài viết Trẻ nhập cư khát chữ đăng trên Thanh Niên , chúng tôi đã đề cập tình trạng trẻ nhập cư ở TP.HCM thường theo làn sóng ly hương của ba mẹ nhằm cải thiện kinh tế.

Trong những năm qua, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của cả nước đã giảm đáng kể. Cụ thể, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học giáo dục phổ thông nhưng không đến trường. Và con số này giảm 2/3 so với năm 1999. Thế nhưng, đâu đó trong những khu phố ven nội thành TP.HCM, hằng ngày, vẫn còn nhiều trẻ nhập cư và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vì lý do nào đó mà thay vì được học ở trường công lập, các em lại đến lớp học tình thương học chữ.
Mổ xẻ những nguyên do dẫn đến việc còn nhiều trẻ nhập cư không được tiếp cận giáo dục, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho hay trách nhiệm đầu tiên thuộc cha mẹ của các em khi họ chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của giáo dục con em trong dài hạn; hay việc gửi con mình đến các lớp học tình thương lại là giải pháp ổn thỏa với những phụ huynh làm các ngành nghề tự do. Chính điều này đã tước mất cơ hội để các em phấn đấu trong cuộc sống.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng cho biết hiện nay tại thành phố đang tồn tại hai mô hình lớp học. Một là dạng “lớp học tình thương” mà ta quen gọi, học sinh không có học bạ, không được lên lớp; còn dạng thứ hai là lớp học được sự bảo trợ của một trường tiểu học trên cùng địa bàn (thành lập căn cứ theo Nghị định 46/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục), học sinh được lên lớp bình thường. Trong các bước tiến ngắn hạn, việc quản lý, chuẩn hóa dạng lớp học thứ nhất sang dạng hai là điều rất cần thiết cho các trẻ.
Về lâu dài vẫn còn cần nhiều chính sách của địa phương lưu tâm hơn đến trẻ nhập cư và nghiễm nhiên là cần thực hiện nó sát sâu, đồng bộ, bởi nếu không sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội mà nhãn tiền nhất chính là việc bất bình đẳng cơ hội học tập khi một bộ phận trẻ em không “chạm” được nền giáo dục phổ thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.