Đừng khóc ở Hà Giang

28/01/2016 10:19 GMT+7

Đừng khóc khi nhìn những em bé gần như trần truồng, chân không tất, không giày đứng nhem nhuốc trên bãi đất tuyết chưa tan. Đừng khóc ở Hà Giang!

Chuyến công tác Hà Giang để viết bài người Mông ăn Tết của tôi bỗng trở thành một hành trình đưa tin về băng tuyết nơi địa đầu Tổ quốc. Đã có nghe dự báo thời tiết rằng nhiệt độ sẽ thấp, song chúng tôi không thể ngờ lại gặp tuyết giữa Mèo Vạc, Đồng Văn.
Thương những em bé trên cao nguyên lạnh - Ảnh: Lê Nam
Xe khách đến thành phố Hà Giang đã thấy cái lạnh lẽo thấm sâu vào da thịt. Lại một chặng đường gần 200 km từ đó về các miền cao nguyên đá, cái rét xuyên qua lớp cửa kính ô tô, cứa vào người, dù chúng tôi đã mang đủ áo ấm, giày tất, găng tay.
Đến huyện Đồng Văn, tôi đang ngủ gật bỗng nghe lái xe hô lớn: “Chết rồi, tuyết trắng hết rồi”. Nhìn ra ngoài cửa, khắp các mái nhà, ngọn cây, cả nóc một chiếc xe hơi đỗ trước cửa nhà đều phủ lớp băng tuyết dày đặc. Tuyết bám trắng trên các mỏm đá tai mèo, phủ kín ngọn thông. Tôi nói với cậu phóng viên đi cùng, phải đưa tin về tuyết, cuộc sống của người dân tộc Mông trong tuyết.
Chúng tôi thuê xe gắn máy từ thị trấn Mèo Vạc rồi len lỏi theo các con đường xiên ngược lên xã Tả Lủng, rồi Khâu Vai. Tuyết rơi trên đầu. Dốc cao trước mặt. Chiếc Honda phải mất đến 3-4 phút đạp cần khởi động mới chịu nổ máy. Tay tôi cứng đờ vì lạnh, rút một cái bút để ghi tên những em nhỏ tôi phỏng vấn bên đường cũng là một việc rất khó khăn. 
Những em bé Mông ngồi đốt cỏ sưởi ấm - Ảnh: Lê Nam
Chúng tôi dừng lại ghi hình, làm bản tin truyền hình bên sườn dốc, một kịch bản dẫn như thế nào chưa hề được chuẩn bị, tôi còn đội nguyên một chiếc mũ bảo hiểm trên đầu, một tay đeo găng, tay kia bốc một nắm băng tuyết, và cứ thế, nói trước máy quay, như đúng trải nghiệm của người trong cuộc: Ở đây đang rất lạnh!
24 km từ thị trấn tới xã Khâu Vai là một hành trình khó khăn. Con đường không chỉ ngoằn ngoèo, uốn éo, nó còn gập ghềnh, gồ ghề cát sỏi. Một màu xám xịt vây quanh chúng tôi, những mái nhà liêu xiêu bên đường. Chúng tôi dừng lại khi thấy một đám trẻ nhỏ đang tập trung quanh một bãi đất trống. Bọn trẻ vun số cỏ khô lại, đốt thành đống lửa sưởi ấm. Mỗi cô bé mang một cái gùi sau lưng để chứa rau lợn, các cháu không có áo khoác, chân là đôi dép tổ ong, không tất. “Cháu có rét không?”. “Rét ạ”, môi cô bé tím tái, run run.

Mèn mén của các em nhỏ Hà Giang - Ảnh: Lê Nam

Đó không phải là những đứa trẻ hiếm hoi ở Hà Giang chân trần trên đất lạnh. Suốt hành trình hàng chục cây số vào các bản của Mèo Vạc, chúng tôi đều gặp những em bé đáng thương như thế. Những gót chân nứt toác vì lạnh. Những đầu ngón chân sưng vù, do không có giày tất. Có cháu bé chỉ mặc một chiếc áo, cứ thế tha thẩn chơi ngoài nền đất, nơi mà đám tuyết chưa tan.
“Cháu ăn gì đây?”, tôi hỏi một cậu bé chừng 9 tuổi. “Mèn mén ạ”. Đó là một trong hai bữa cơm hằng ngày của em, một ít mèn mén trên chiếc đĩa tráng men hoen gỉ, một ít rau cải rừng nấu suông với muối. Cháu bé ăn ngon lành. 365 ngày trong một năm, cháu rất ít khi được ăn cơm, trừ dịp đặc biệt.
Chúng tôi mang bánh kẹo theo, gặp bọn trẻ đều dừng lại cho, các cháu bé rất ngoan, có khi còn nói cả tiếng Anh để vẫy vẫy những cánh tay nhỏ xíu, “hello”, “bye bye”.
Chúng tôi gom lại, hai chị em, được vài trăm ngàn, đưa lại cho bà mẹ của một nách sáu đứa con, đứa út 10 tháng tuổi đang tím tái đôi chân trần vì lạnh. Đứa trẻ khát sữa, nhưng mẹ nó bảo, chỉ có tiền mua sữa Ông Thọ thôi, mà thi thoảng lắm mới dám mua một hộp 25.000 đồng.

Chúng tôi chỉ có kẹo bánh, nhưng biết đâu còn nhiều người đang cùng gom giày, tất, ủng cho các em - Ảnh: Lê Nam

Chúng tôi về tới Hà Nội khi trong túi chỉ còn 8.000 đồng, cậu phóng viên đi cùng buồn thiu: “Giá mà trong người em còn có gì giá trị, em cũng bỏ lại cho bọn trẻ, mà chẳng còn gì cả”. Không phải đâu em ơi, hình như sự trăn trở, nỗi lo lắng cho các em, mình đã cùng bỏ lại. Mình chỉ có kẹo bánh, nhưng biết đâu còn nhiều người đang cùng gom giày, tất, ủng cho các em.
Tôi chia sẻ những hình ảnh sau chuyến công tác lên facebook. Nhiều bạn bè hỏi có thể ủng hộ gì cho các cháu, có bạn hỏi có thể lên Hà Giang cùng để đưa quà không.
Tôi bảo các bạn, cũng được thôi, nhưng đừng khóc khi vừa ngồi trên xe khách vì rét run vì lạnh, còn khi bước xuống xe, băng tuyết rơi lên đầu, lên mặt, còn tay thì đã tê cóng.
Đừng khóc khi khoác ba lô, máy ảnh trên vai, chiếc xe máy oằn người leo qua dốc núi trong khi nhiệt độ bên ngoài chỉ là -1 rồi 0 độ C. Đừng khóc khi nhìn những em bé gần như trần truồng, chân không tất, không giày đứng nhem nhuốc trên bãi đất tuyết chưa tan.
Đừng khóc ở Hà Giang!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.