Đất công không ai khóc?

02/07/2020 05:25 GMT+7

Chuyện thật như đùa đang xảy ra tại công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (Q.9, TP.HCM) khi nhiều héc ta đất được nhà nước bồi thường bằng vốn ngân sách, Ban quản lý đem cho thuê với giá rẻ hơn thị trường.

Thanh tra TP.HCM phát hiện việc cho thuê là sai quy định và kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo thanh lý hợp đồng, thu hồi mặt bằng để thực hiện dự án. Sau đó, hàng loạt chỉ đạo của TP.HCM đưa ra vừa để chấn chỉnh sai phạm, vừa nhằm ngăn chặn những phát sinh về tranh chấp đất đai, khiếu kiện của người dân.
Thế nhưng hơn 2 năm qua, các hợp đồng trái pháp luật vẫn chưa thanh lý xong, đất đai của nhà nước vẫn chưa được thu hồi. Cũng trên phần đất này, các doanh nghiệp cho thuê lại mặt bằng, Ban quản lý ước tính các doanh nghiệp này trục lợi hơn 30 tỉ đồng.
Càng đáng lo hơn khi nhiều khu đất tiếp tục bị lấn chiếm trái phép để cho thuê mặt bằng. Điều này thể hiện sự buông lỏng, thiếu quyết liệt của đơn vị được giao quản lý và chính quyền địa phương.
“Tấc đất tấc vàng” nhưng phải chăng do là “đất công” nên không ai thương xót? Dư luận đặt nghi vấn này là có cơ sở, bởi đã có sự buông lỏng quản lý khiến xảy ra tình trạng lấn chiếm.
Điều đáng nói, với hàng loạt sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, tài sản, bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng lãnh đạo thời kỳ liên quan chưa ai bị kỷ luật; người trực tiếp ký hợp đồng (cho thuê đất sai quy định) cũng chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Cán bộ tiền nhiệm không nhận hình thức kỷ luật tương xứng với vi phạm sẽ tạo ra tâm lý xuề xòa, thiếu quyết liệt đối với cán bộ đương chức. Hệ quả là đất đai vẫn bị lấn chiếm, tài sản nhà nước bị thất thoát và tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai giữa người dân với nhà nước bởi nhiều người vi phạm nghĩ rằng ở lâu sẽ được “công nhận”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.