Đằng sau thảm sát

29/09/2016 15:56 GMT+7

Tôi hốt hoảng khi hay tin có vụ thảm sát tại Quảng Ninh. Hốt hoảng, không chỉ vì thảm án xảy ra trên quê hương mình, mà vì phản xạ chung của bất cứ ai khi hay tin về tội ác.

4 bà cháu bị sát hại trong đêm trong một ngôi nhà ở thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, nỗi tang tóc bủa vây khắp nẻo.
Những ngày công an điều tra xác định nghi can và truy lùng nghi can đang lẩn trốn, những đồng nghiệp của chúng tôi ở văn phòng Đông Bắc Bộ không được nghỉ ngơi, bữa trưa của anh em là cơm rang, mỳ tôm. Một chiếc ba lô như “tòa soạn” thu nhỏ, họ có mặt ở đường quốc lộ, bờ sông, chân cầu…, những nơi công an đang truy quét kẻ gây ra thảm án.
Tối chủ nhật vừa rồi, chúng tôi có việc phải bắt xe về Quảng Ninh, khuya lại bắt xe giường nằm ngược lên Hà Nội. Chiếc xe từ TP.Hạ Long về tới Hải Dương bị cảnh sát dừng xe kiểm tra đến 4 lần, có lần chiếc xe phải đỗ bên đường 30 phút. Tôi đang ngủ, có ánh đèn pin rọi thẳng vào mắt, giật mình hốt hoảng. Ánh đèn lia qua nơi khác, một chiến sĩ CSGT trao đổi với phụ xe và lái xe, cho hai người nhìn ảnh một đối tượng và nhắc, “thấy khả nghi phải báo cảnh sát ngay lập tức”.
Tôi hiểu, đó là lúc cảnh sát chốt chặn mọi ngả đường, không để nghi can Doãn Trung Dũng thoát. Tôi mới chỉ giật mình thức giấc giữa đêm thôi, trên quốc lộ 18, hàng trăm người đang làm nhiệm vụ không được ngủ. Bạn tôi, những đồng nghiệp đang chờ đợi để mang đến cho mọi người những tin tức mới nhất về vụ án cũng nhiều đêm rồi thức trắng.
Đêm thứ 2 (26.9), Doãn Trung Dũng bị bắt. Rất nhiều những lời cảm kích được gửi đến lực lượng công an. Tôi cũng mừng, cái ác phải được loại bỏ, những người đã khuất cũng được san sẻ, mừng với chính những người bạn của mình cũng vừa hoàn thành một trọng trách trong công việc đưa tin không hề ít nguy hiểm và gian nan.
Tháng 8, tôi tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do T.Ư Đoàn tổ chức. Một cuộc tọa đàm diễn ra tại hội trường Bộ Công an với chủ đề Thanh niên rèn đức. Đại úy Nguyễn Thành Đoàn, Phó đội trưởng đội tổng hợp, Bí thư đoàn thanh niên Công an H.Thủy Nguyên, Hải Phòng nêu ý kiến, vì sao tội phạm giết người dã man ngày càng trẻ hóa.
Người thân khóc cạn nước mắt trước sự ra đi của 4 bà cháu trong đêm. Sau mỗi vụ thảm sát là nỗi đau không của riêng ai Ảnh Vũ Ngọc Khánh
Đại úy Nguyễn Thành Đoàn nhắc đến vụ thảm sát ở Bắc Giang gắn với cái tên Lê Văn Luyện, thảm sát ở Lào Cai, ở Bình Phước. Đại úy Đoàn cũng không ngờ, chỉ một tháng sau, một vụ thảm sát do nghi can 45 tuổi gây ra ngay ở TP.Uông Bí, sau đó nhờ chính lực lượng Công an Hải Phòng, Công an Quảng Ninh, Bộ Công an cùng chung sức để phá án.
Trong những lời bình luận của bạn đọc dưới các bài viết gửi về tòa soạn, bạn đọc ca ngợi những chiến sĩ công an mưu trí, dũng cảm, phá án nhanh chóng, để nhân dân yên lòng. Nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn: “Đó là phá án, vậy làm thế nào để bình yên trong cuộc sống đời thường, để không còn thảm sát, không còn những người vô tội ra đi?”. Đó là một câu hỏi rất nhiều người đang trăn trở.
Ngày hôm qua, tôi đi ra đường Hà Nội và thấy một tài xế xe 7 chỗ mở cửa, đi bộ đến chỗ người chạy xe máy đang dừng đèn đỏ, cởi mũ bảo hiểm của anh này và dùng chính chiếc mũ đó, đập điên cuồng, không thương tiếc vào đầu anh ta. Mỗi nhát đập là một tiếng chửi: “Mày không nghe bố bấm còi à?”. Rồi bình tĩnh bước lên xe hơi, đóng cửa, đi. Lý do, anh kia dừng xe máy bên làn cho xe rẽ phải.
Ngày hôm nay (29.9), chúng tôi mở báo và thấy tin tức rợn người. Ở Quảng Ninh, một người cha tàn nhẫn hòa thuốc diệt cỏ vào nước đường để con gái 5 tuổi của mình phải uống, cháu đã tử vong dù được mang đi cấp cứu rất nhanh sau đó.
Tội ác từ đâu ra? Khi tội ác chỉ kết thúc bằng phá án, tuyên án và thi hành án, mầm mống của nó chưa bao giờ kết thúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.