Cặm cụi 'lội ngược dòng'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
01/09/2020 05:45 GMT+7

Dưới 'cơn bão' của đô thị hóa, truyền thống của dân tộc, như nhà sàn, trang phục thổ cẩm... hầu như trôi xa, để rồi có những người con Chơ Ro, vì quá đau đáu cội nguồn nên cặm cụi 'lội ngược dòng'.

Cùng lúc Báo Thanh Niên kết thúc loạt phóng sự Chơ Ro níu giữ hồn xưa về người Chơ Ro tại H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở GD-ĐT tỉnh này đã có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 82/2010/NĐ-CP đối với dạy học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS).
Báo cáo nêu rõ, trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ chữ viết tiếng Chơ Ro theo quy định; đề ra kế hoạch và lộ trình đưa tiếng DTTS vào dạy cho học sinh từ lớp 6 - 12 trong trường phổ thông trên địa bàn. Dự kiến, sẽ triển khai dạy học chương trình thực nghiệm tiếng Chơ Ro cho khối lớp 6 từ năm học 2022 - 2023 và dạy chính thức từ năm học 2023 - 2024. Cứ thế, mỗi năm học tiếp theo sẽ dạy chữ Chơ Ro cho khối lớp cao hơn.
Trước đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có kế hoạch xây dựng đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng DTTS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung nghiên cứu, bảo tồn, phát huy tiếng nói và chữ viết của các DTTS, đặc biệt lưu ý đến chữ viết của người Chơ Ro. Những chính sách này cho thấy sự quan tâm rất lớn của cơ quan chức năng đối với đồng bào DTTS trên địa bàn.
Đi thực địa và tổ chức hàng chục cuộc phỏng vấn khi thực hiện loạt phóng sự Chơ Ro níu giữ hồn xưa, tôi đã lắm ngỡ ngàng khi biết còn một dân tộc sống thành làng, nép mình bên thị trấn. Nhưng dưới “cơn bão” của đô thị hóa, truyền thống của dân tộc, như nhà sàn, trang phục thổ cẩm... hầu như trôi xa, để rồi có những người con, vì quá đau đáu cội nguồn nên cặm cụi “lội ngược dòng”.
Tôi đã lắng nghe nhiều lời bộc bạch của người trong cuộc. Đó là câu chuyện ép con học đánh chiêng và chơi đàn tre của nghệ nhân Lý Thị Nhiển; hay câu chuyện ban ngày đi đào mì, bốc vác, ban đêm dạy múa, chữ viết cho người Chơ Ro tại tỉnh Đồng Nai của nghệ nhân - biên đạo múa Dương Văn Củng. Đặc biệt nhất vẫn là hành trình gian nan làm quyển từ điển Việt - Chơ Ro của đội ngũ trí thức. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của lớp trí thức người Chơ Ro trong công cuộc giữ gìn, phục hồi văn hóa dân tộc, nhất là về chữ viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.