Bất lực hay thông đồng?

04/04/2020 07:13 GMT+7

Rừng tiếp tục bị “chảy máu”, nên nếu nói lực lượng chức năng đã làm tốt công việc của mình, e chừng quá vô lý và thiếu căn cứ, nhiều vụ phá rừng có bóng dáng lực lượng chức năng “tiếp tay” cho lâm tặc.

Báo Thanh Niên số ra ngày 2.4 đăng phóng sự Bất lực giữ rừng, trong đó phản ánh việc hàng ngàn héc ta rừng ở Gia Lai bị mất, nhiều vụ phá rừng động trời trong khi các cơ quan hữu trách, lực lượng chốt chặn luôn tỏ quyết tâm giữ rừng (!?).
Tận mắt thấy những cánh rừng bị chặt phá tan hoang, những cây gỗ quý cổ thụ bị khai thác trộm, tẩu tán ra khỏi rừng già, những người có tâm huyết cũng như cộng đồng không khỏi bức xúc.
Rừng tiếp tục bị “chảy máu”, nên nếu nói lực lượng chức năng đã làm tốt công việc của mình, e chừng quá vô lý và thiếu căn cứ. Nhiều vụ phá rừng có bóng dáng lực lượng chức năng “tiếp tay” cho lâm tặc. Không thể biện minh khi nhiều cây gỗ lớn được cưa thành lóng, vận chuyển ra ngoài trót lọt.
Lâm tặc vận chuyển gỗ bằng đường nào khi ở nhiều vùng chỉ có những con đường duy nhất để xe độ chế, xe tải lưu thông? Câu hỏi quá dễ để trả lời! Nhiều vụ việc khi các cơ quan truyền thông vào cuộc, ngành chức năng mới… “nối bước” vào theo để kiểm tra, xử lý.
Và lúc này, rừng đã bị phá. Hàng chục ngàn mét khối gỗ từ nhiều năm qua đã được vận chuyển ra khỏi những khu rừng già trong sự bất lực của cơ quan chức năng. Có chăng, chỉ phát hiện, bắt giữ phần ngọn khi rừng đã bị tàn phá. Rừng cứ dần bị rút ruột dù ngân sách, dịch vụ môi trường rừng vẫn đều đều như… vắt chanh chi trả những khoản tiền nhiều tỉ đồng cho lực lượng thực thi pháp luật.
Nhiều năm nay, lực lượng kiểm lâm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai đã được đưa về tận xã để cùng với chính quyền cơ sở bảo vệ rừng tốt hơn. Dẫu vậy, gỗ lậu vẫn thẩm thấu ra khỏi rừng một cách khó hiểu! Tây nguyên thiếu rừng cũng đồng nghĩa với những nguy hiểm về biến đổi khí hậu không chỉ của khu vực này mà còn của khu vực duyên hải miền Trung.
Hàng chục triệu con người sẽ chịu hậu quả nặng nề. Để khôi phục một cánh rừng, mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Nghiêm trọng hơn, rừng bị rút ruột, muông thú, chim chóc thiếu đi không gian sống, khiến sự phong phú của thiên nhiên bị giảm sút.
Nạn chặt phá rừng khi nào chấm dứt? Có lẽ, chỉ người trong cuộc mới có câu trả lời xác đáng nhất!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.