Bài toán nguồn nhân lực

21/09/2020 05:25 GMT+7

TP.HCM đang chuẩn bị các thủ tục trình Quốc hội cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị, với mục tiêu giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ đề án chính quyền đô thị, TP.HCM còn đang thực hiện và đề xuất hơn chục đề án trình T.Ư như thành lập TP.Thủ Đức, đề án tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách TP.HCM, đề án trung tâm tài chính, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh... nhằm phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu kinh tế.
Một điểm cần lưu ý, các đề án mà TP.HCM đang xây dựng chỉ phát huy hiệu quả khi được vận hành bởi những con người phù hợp; nếu không, những đề án đó chỉ giống như viên pha lê lấp lánh trưng bày trong tủ kính. Thực tế cho thấy, nhiều bất cập trong chính sách thu hút người tài, lao động có chuyên môn, trình độ cao vẫn chưa được tháo gỡ. Điển hình như đề án đô thị thông minh, các địa phương
đang “đỏ mắt” tìm người vận hành bởi với đồng lương ít ỏi thì chẳng ai muốn về làm. Một chuyên gia an toàn thông tin cần mức lương cả chục ngàn USD nhưng nhà nước không có cơ chế nào để thanh toán. Trong khi đó, một số người có trình độ sau khi “đầu quân” cho TP.HCM được bố trí công việc không đúng chuyên môn, nghiệp vụ, mức lương thấp nên phải chạy xe ôm để có thêm thu nhập…
Giữa yêu cầu tinh giản biên chế theo chủ trương chung với nhu cầu nhân lực để vận hành khối lượng công việc ngày càng lớn không phải là bài toán dễ dàng giải quyết với bất kỳ đô thị nào. Con người vẫn là yếu tố quyết định nên ngoài sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính khoa học, TP.HCM cũng cần tạo cơ chế trả lương tương xứng với chất xám của nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành những đề án, chương trình lớn trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.