'Ăn' trên sự sống bệnh nhân

Duy Tính
Duy Tính
12/09/2020 19:57 GMT+7

Người viết hỏi giám đốc một bệnh viện tư nhân, xuất thân từ bệnh viện công, một máy siêu âm hiện đại nhất giá bao nhiêu. Vị này cho biết giá trên 2 tỉ đồng.

Ông nói thêm, nhưng nếu các đơn vị công mua máy này thì giá trên 4 tỉ đồng. Ông cũng nói luôn, một cái dao mổ cắt đốt siêu âm hiện đại ông mua chỉ hơn 700 triệu đồng, nhưng giá ở bệnh viện công mua lên trên 2 tỉ đồng. Ông nói, vì mình mua cho mình nên giá mua trang thiết bị y tế (TTBYT) chỉ bẳng 40 - 50% so với bệnh viện công. Giá sát đến nỗi công ty bán TTBYT còn không mời ông được ly cà phê.
Câu chuyện giá TTBYT được đẩy lên cao gấp đôi, gấp ba, gấp bốn lần nhằm hưởng tiền chênh lệch ở các đơn vị y tế công lập “nổi lên” từ câu chuyện “thổi giá” máy xét nghiệm Covid-19 ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội; robot mổ thần kinh ở Bệnh viện Bạch Mai... bị đổ bể thì Bộ Y tế mới xắn tay vào quản lý giá. Vậy có thể quản cách nào? Bằng cách công khai giá đấu thầu để các nơi muốn mua TTBYT mới tham khảo? Đây như là chuyện đã rồi. Quản bằng cách yêu cầu các công ty bán TTBYT “báo giá” TTBYT bán ở Việt Nam?
Chuyện thật như đùa. Một cái máy sản xuất bên ngoài giá thành bao nhiêu thì chỉ có nhà sản xuất, công ty mua mới biết. Họ “làm giá” từ bên ngoài, chuyển về Việt Nam kê khai giá tại hải quan thì chỉ có biết giá vậy. Mặt khác, họ chỉ cần thay đổi hay trang bị thêm một tính năng nào đó trong TTBYT thì giá sẽ khác hoàn toàn so với giá bán TTBYT trước đó.
Câu chuyện đòi quản lý, minh bạch giá bán TTBYT cũng giống như một thời gian dài ngành y tế muốn quản lý giá thuốc, minh bạch giá thuốc bằng việc cho doanh nghiệp kê khai giá. Có thể ví von, việc mua bán TTBYT giống như trò chơi “bịt mắt bắt dê”. Nói như thế để thấy, quản lý giá TTBYT không dễ. Cho nên, pháp luật cần xử lý đủ mức răn đe những hành vi “bắt tay” nâng giá TTBYT, “ăn” trên sự sống của bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.