Bình Thuận: Y tế công lập 'nợ rất lớn', có trách nhiệm của Sở Y tế?

Quế Hà
Quế Hà
09/12/2022 12:41 GMT+7

Sáng 9.12, HĐND tỉnh Bình Thuận tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp của lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tại hội trường. Mở đầu là chất vấn trách nhiệm của Sở Y tế.

Với trách nhiệm của Sở Y tế và cá nhân giám đốc sở, bác sĩ Nguyễn Quốc Việt thừa nhận tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh và vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập hiện nay. Ông Việt cho rằng đây là tình trạng chung của cả nước, chứ không riêng Bình Thuận. Theo ông Việt, thực tế này bắt nguồn từ việc dự báo không chính xác, thiếu thuốc, thiếu nguyên vật liệu, đứt gãy nguồn cung ứng...

Mặt khác, ông Việt nêu có tình trạng các công ty cung cấp thuốc đầu mối ưu tiên bán cho các cơ sở y tế tư nhân, vì dễ thanh toán hơn các cơ sở y tế công lập.

Mới đây, Sở Y tế Bình Thuận có mở thầu nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Sở giao quyền cho BVĐK tỉnh Bình Thuận đấu thầu thuốc nhưng vẫn không có nhà thầu nào tham gia. Đặc biệt, ông Việt nêu nguyên nhân có tình trạng các cơ sở y tế công lập nợ khoản nợ rất lớn tiền thuốc, tiền vật tư của các nhà thầu cung ứng thuốc.

Ông Việt nhận trách nhiệm về mình và Sở Y tế trong việc để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập của tỉnh thời gian qua.

ĐB Hoàng Thanh Liêm (đơn vị H.Hàm Thuận Bắc) chất vấn giám đốc Sở Y tế

Quế hà

“Sau vụ Việt Á, anh em xin nghỉ làm đấu thầu thuốc”

Nói về nguyên nhân của thực trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, bác sĩ Nguyễn Quốc Việt cho biết sau vụ Công ty Việt Á, các cán bộ làm nhiệm vụ đấu thầu mua bán thuốc “rất ngại”. “Nhiều cán bộ xin thôi, không làm nhiệm vụ này nữa, chúng tôi phải tổ chức vận động họ tiếp tục làm nhiệm vụ đấu thấu thuốc”, bác sĩ Việt chia sẻ. Ông Việt cũng nhìn nhận bản thân ông chưa quyết liệt, chưa làm tròn nhiệm vụ trong việc thẩm định giá, vì hiện nay còn trên dưới 50 gói thầu chưa thực hiện được.

Đại biểu Nguyễn Văn Tám (Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy) phát biểu, băn khoăn về nguyên nhân chủ quan mà giám đốc Sở Y tế nêu. "Việc các cơ sở y tế công lập đang thiếu nợ các nhà thầu thuốc thì giám đốc Sở Y tế chỉ đạo giải quyết như thế nào, nguyên nhân vì sao để nợ, hạch toán thu chi ra sao mà nợ, giám đốc đã thanh tra, kiểm tra chưa?", ông Tám đặt câu hỏi.

Đại biểu Hoàng Thanh Liêm (H.Hàm Thuận Bắc) phản ánh tại H.Hàm Thuận Bắc có tình trạng bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân BHYT ra ngoài mua thuốc điều trị. "Giám đốc có biết tình trạng này không? Như vậy, BHYT có thanh toán cho bệnh nhân hay họ phải tự trả tiền thuốc ?", ông Liêm chất vấn.

Trả lời các câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Quốc Việt cho biết hiện nay “nợ nhiều nhất” là ở Trung tâm y tế TP.Phan Thiết (nợ từ 2015 đến nay hàng chục tỉ đồng), Trung tâm y tế H.Tuy Phong và Bệnh viện đa khoa tỉnh... Các đơn vị này còn có lúc nợ cả lương của nhân viên y tế.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Quốc Việt trả lời chất vấn tại hội trường kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận sáng 9.12

QUẾ HÀ

Có tháng tiếp tới 4 đoàn thanh, kiểm tra

Ông Việt thông tin thêm, kể từ sau dịch covid-19 đến nay, ngành y tế “có tháng tiếp tới 4 đoàn thanh kiểm tra, kể cả công an”. Ông Việt cho biết do “có quá nhiều việc” và hiện nay “còn nợ nhiều báo cáo chưa thống kê, báo cáo hết được”.

Việc đại biểu Liêm hỏi, bác sĩ Việt nói “chưa có quy định nào nói bệnh nhân ra ngoài mua thuốc được thanh toán”, ông Việt trả lời.

“Thời gian qua chúng tôi có nhiều việc lắm. Ngành y tế là phải nói có giây vàng, giờ vàng, nếu không chỉ định thuốc ngay sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Nhưng sau vụ Việt Á, anh em cũng rất lo lắng”.

Kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh Bình Thuận diễn ra trong 2 ngày

QUẾ HÀ

Đại biểu Nguyễn Văn Tám “truy” tiếp, vì sao để nợ từ 2015 đến nay ? Giám đốc không thể nói “phải làm nhiều báo cáo các đoàn thanh kiểm tra. Việc báo cáo là trách nhiệm của Sở Y tế, còn việc chỉ đạo chuyên môn là vẫn phải làm?”, ông Tám chất vấn.

Bác sĩ Việt nói thêm, hiện nay BHYT chưa thanh toán khoảng 30 tỉ cho Trung tâm y tế TP.Phan Thiết. “Còn nợ thì có nhiều khoản, chứ không phải chỉ riêng nợ tiền thuốc, còn nợ cả vật tư thiết bị nữa. Việc nợ này sẽ phải giải trình thêm theo từng năm để BHYT thanh toán theo từng khoản”, giám đốc Sở Y tế Bình Thuận nói.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bí thư Thành ủy TP.Phan Thiết) giơ tay phát biểu. Ông Hải cho biết thêm, chính ông đã làm việc với Trung tâm y tế TP.Phan Thiết rồi, đây là đơn vị trực thuộc Sở Y tế do đó sở phải chịu trách nhiệm các vấn đề tại đơn vị này.

Ông Hải thông tin thêm ông đã làm việc với Sở Y tế và Đảng ủy Trung tâm y tế TP.Phan Thiết biết được khoản nợ đơn vị này kéo dài từ 2015 đến nay “và nợ rất lớn”. “Hiện nay các nhà cung cấp thuốc không cung cấp cho đơn vị này nữa. Tôi đã làm việc với BHXH tỉnh và họ trả lời rõ là một số khoản sẽ bị từ chối thanh toán”.

Trung tâm y tế TP.Phan Thiết thuộc sở Y tế Bình Thuận hiện đang nợ nhiều khoản nợ từ năm 2015

q.h

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh cho biết tại diễn đàn kỳ họp đã có 10 lượt ý kiến chất vấn Sở Y tế về việc thiếu thuốc và vật tư y tế. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận thì việc thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng, nhiều tỉnh thành chứ không riêng tỉnh Bình Thuận.

"Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do việc dự báo chưa chuẩn, nhiều quy định đấu thầu còn bất cập, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chuỗi sản xuất đứt gãy một số khâu nên thiếu thuốc. Mặt khác các nhà thầu thuốc ưu tiên bán cho tư nhân vì dễ thanh toán hơn", Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh phân tích và yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế phải có giải pháp tháo gỡ ngay tình trạng trên, không để tái diễn việc thiếu thuốc, đặc biệt trách nhiệm của Sở Y tế là không được để tình trạng thiếu nợ lương nhân viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.