Bình Định: Băn khoăn nạn sạt lở núi do trồng bạch đàn, keo

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
11/12/2021 19:35 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết đã giao Sở NN-PTNT khảo sát, đề xuất chuyển đổi một phần rừng sản xuất ở đầu nguồn chuyển sang rừng phòng hộ nhằm giảm nguy cơ sạt lở núi, ngập lụt…

Ngày 11.12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh này, cho biết đã chỉ đạo chính quyền các địa phương trong tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá lại địa chất tại các khu vực sạt lở núi để có biện pháp khắc phục lâu dài.

Kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định diễn ra trong các ngày 10 và 11.12

bảo thoa

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng giao Sở NN-PTNT khảo sát, đề xuất chuyển đổi một phần rừng sản xuất ở đầu nguồn chuyển sang rừng phòng hộ và quy định độ cao trồng rừng sản xuất, không để người dân trồng rừng, làm đường khai thác rừng trên đỉnh núi cao…

Ông Nguyễn Phi Long cũng cho rằng tình trạng ngập lụt trong thời gian qua có phần do khả năng thoát lũ trên các sông còn hạn chế. Trong thời gian đến, tỉnh Bình Định sẽ tính toán các giải pháp mang tính đồng bộ để hạn chế ngập lụt, trong đó có các giải pháp về nạo vét, mở rộng khẩu độ tiêu thoát lũ trên sông Hà Thanh, sông Kôn…

Sạt lở tại khu vực trồng bạch đàn trên đỉnh núi Cấm ở xã Cát Thành (H.Phù Cát, Bình Định) vào các ngày từ 14 đến 17.11

hoàng trọng

Trong các đợt mưa lũ vào tháng 11 vừa qua, tỉnh Bình Định có ít nhất 35 điểm sạt lở, trong đó có vụ sạt lở nghiêm trọng ở núi Cấm (xã Cát Thành, H.Phù Cát), sạt lở tại đường Nguyễn Tất Thành và QL 1D (TP.Quy Nhơn) và các điểm sạt lở khác ở các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh…

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu tập trung khắc phục tình trạng sạt lở núi, trong đó phải giảm diện tích trồng bạch đàn, trồng keo… “Bạch đàn với keo có được gọi là rừng hay không? Trong khi chu kỳ khai thác rất ngắn, thảm thực vật ở dưới không sống nổi, không giữ được nước”, đại biểu Nguyễn Thị Phong Vũ đề nghị.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định

bảo thoa

Ông Nguyễn Phi Long cũng cho rằng: “Nguyên nhân chính cũng do con người cả thôi. Trồng keo, bạch đàn, người dân tự ý mở đường chạy thẳng lên đỉnh núi, dễ dẫn đến sạt lở khi có mưa lớn”.

Ngoài câu chuyện sạt lở núi, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định còn quan tâm, thảo luận về các vấn đề như: tín dụng đen, ma túy, công tác phòng chống dịch Covid-19, các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.