Bịn rịn trở lại thành phố làm việc sau tết

10/02/2019 10:26 GMT+7

Sau những ngày dài đón tết cùng gia đình, từ hôm nay, nhiều người trẻ phải gói ghém hành lý lên đường vào lại thành phố.

Bồi hồi ngày chia tay

"Làm sao để đừng hết tết"? là câu nói vui của nhiều bạn trẻ khi chưa muốn rời quê. “Hầu như năm nào cũng thế, cứ đến ngày chuẩn bị đi là mẹ, ngoại, nội đều nói câu “mới về đây giờ đã đi rồi, sao nhanh quá”. Và 10 năm như 1, cứ đến ngày sắp đi là mình lại có được một điều ước, nhiều khi tham quá thì ước hôm này mới là ngày về, nhưng những lúc như bây giờ thì chỉ cần ước gì giờ mới mùng 1 thôi là cũng được rồi”, Nguyễn Thị Ngọc Diễm (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, trọ tại 128/35/5 Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ.

Chia sẻ của Diễm cũng là tâm trạng chung của nhiều bạn trẻ khi mỗi lần phải xa quê sau tết.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, Trương Thị Hoài Thương (quê Quảng Nam, cựu sinh viên Trường CĐ Công thương) than: “Trời ơi, quay qua quay lại nay đã hết tết rồi sao?”.

“Còn nhiều lưu luyến lắm. Năm này mình về trễ, sáng mùng 1 tết mới về nên chưa thấy gì đã thấy phải đi lại rồi. Cũng may năm nay mùng 7 mới làm lại nhưng cũng chỉ mong hôm nay mới mùng 1 để được ở với gia đình nhiều hơn, đi một năm mới về một lần mà đã vội đi, chỉ thấy thương ba mẹ ở nhà cứ nhớ, cứ ngóng trông con, mà con về chưa được bao lâu lại phải đi lại”, Thương nói.

Nghĩ về một năm 'cày cuốc'

Còn Nguyễn Tuấn Anh (quê Quảng Ngãi, trọ tại 206 Lê Thúc Hoạch, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã 3 năm mới về quê ăn tết nên cứ nghĩ đến việc phải vào lại thành phố để bắt đầu lại công việc là Tuấn Anh lại thở dài: “Mình làm xây dựng nhưng cứ bấp bênh, năm trước công ty làm ăn thua lỗ nên không thưởng gì cho nhân viên, mình không có tiền về quê ăn tết. 2 năm trước thì mới đi làm nên kinh tế cũng khó khăn, thế là 3 cái tết giờ mới được về quê. Sáng sớm mai phải lên đường vào lại mà nghĩ đến thôi cũng thấy chẳng muốn đi tý nào hết. Tự dưng đang ăn tết lại hết tết, buồn thật chứ”.

“Về được gần 10 ngày, mọi áp lực công việc như chẳng còn nữa, mấy ngày tết chỉ ăn, ngủ rồi đi chơi, gặp lại bạn cũ, mới hôm nay cũng vừa đi họp mặt lớp THPT về, vui gì đâu. Thế mà giờ nghĩ đến việc vào lại thành phố, phải gồng mình lên cày cuốc nguyên một năm nữa, tự dưng lại ước làm sao để đừng hết tết, thế là được có thêm thời gian nghỉ ngơi, thoải mái tinh thần”, Đoàn Thị Kim Mai (Cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, trọ tại 325/19 Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tâm sự.

 

“Dù chưa muốn rời quê, vào lại thành phố với gánh nặng mưu sinh, nhưng cũng phải chuẩn bị tâm lý để tiếp tục vào chinh chiến thôi”, Mai nói.

Theo Mai, những ngày đầu mới vào sẽ chưa thể tập trung vào công việc, một phần vì nỗi nhớ nhà (dù đã nhiều năm xa quê, nhưng cứ về rồi đi là lại nhớ), một phần vì “dư âm” của những ngày tết vẫn còn, nhưng rồi khoảng sau một tuần thì mọi thứ sẽ quay lại quỹ đạo ban đầu.

“Mình nghĩ bạn trẻ nào cũng thế thôi, những ngày đầu chỉ biết lấy quà quê của mẹ gửi ra ăn, rồi nhớ mẹ miên man, nhớ những ngày tết quây quần bên gia đình. Như thế thì đố ai mà tập trung làm việc được. Nhưng rồi sẽ qua. Hãy thả lỏng tâm trạng một vài ngày rồi tinh thần làm việc sẽ quay lại ngay”, Mai chia sẻ.

Lỉnh kỉnh quà quê vào phố

Quà quê, có lẽ là c tốn nhiều nước mắt của những người con xa xứ nhất. Vì ở đó có tình cảm của những người mẹ, người bà ngồi gói ghém từng món rồi đóng gói thật chặt, và ở đó có hương vị của quê nhà, khiến mỗi lần nhắc đến, là nước mắt nhiều bạn trẻ tự dưng rơi.

“Có mấy đòn bánh tét mà nội phải lục đục để nấu lại cho mình mang vào thành phố để được lâu, rồi gói thật kỹ những bì cá khô sợ mang lên xe sẽ hôi xe người ta không cho mang theo. Mẹ mình thì cứ hỏi con thích ăn gì, mẹ đi chợ nấu con ăn, chứ một năm mới về một lần hay vào thành phố làm gì có mấy món quê hương thế này ăn,…Làm sao kể hết được những tình cảm của quê nhà, của những người thân yêu mỗi lần phải xa nhà dịp tết thế này”, Diễm kể.

Tuấn Anh nói: “Thôi khỏi nói luôn, mình chịu thua bà nội mình mấy vụ này. Đã bảo với nội là mì tôm vào TP.HCM con mua cũng được, thế mà nội cũng gói rồi nhét vào ba lô cho bằng được. Rau gì trong thành phố không có mà nội cũng sợ nhiều thuốc bảo vệ thực vật, ăn vào sẽ không tốt, thế là làm nguyên bì rau, quả các loại. May mà mình đi xe, chứ đi máy bay lỉnh kỉnh kiểu này thì mất công tốn tiền mua gói hành lý ký gửi còn đắt hơn cả tiền mua rau”.

“Thế đấy, lỉnh kỉnh quà quê mang đi, nhưng vào trong phố cứ mỗi lần thấy quà là lại nhớ. Nhớ nhà, nhớ nội quá chừng. ước gì tết đừng hết để đừng phải có những cuộc chia tay thế này, nhớ lắm, thương nội, thương ba mẹ nữa. Nhưng vì công việc, vì tương lai nên bạn trẻ nào cũng giấu nước mắt vào trong mà tiếp tục hành trình cày cuốc nơi đất khách”, Tuấn Anh bùi ngùi chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.