Big Tech ngăn cảnh sát Mỹ dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt

13/06/2020 06:06 GMT+7

Các hãng công nghệ lớn, còn được gọi là nhóm Big Tech, lần lượt tuyên bố tạm ngưng cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt cho cảnh sát ở Mỹ.

AFP dẫn lời ông Brad Smith, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, hôm qua (12.6) tuyên bố: “Chúng tôi không bán công nghệ nhận diện khuôn mặt cho cảnh sát ở Mỹ và sẽ duy trì chính sách này cho đến khi có luật được ban hành dựa trên quyền con người”.

Phải đảm bảo quyền con người

Microsoft hồi năm 2018 cũng đã tuyên bố sẽ áp dụng một loạt yêu cầu nghiêm ngặt trước khi bán công nghệ nhận diện khuôn mặt, bao gồm phải đảm bảo “sự công bằng”, không phân biệt đối xử và có khuôn khổ pháp lý để quản lý việc sử dụng công nghệ này. Mới đây, hàng trăm nhân viên Microsoft kêu gọi công ty chấm dứt mối quan hệ với các sở cảnh sát ở Mỹ.
Ông Smith đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi đối thủ Amazon.com Inc tạm dừng cung cấp dịch vụ “Rekognition”, liên quan kỹ thuận nhận diện khuôn mặt, cho cảnh sát trong một năm. Còn Hãng International Business Machines Corp (IBM) cho biết họ không cung cấp phần mềm nhận diện khuôn mặt cho cảnh sát Mỹ.

CEO Microsoft: "Chưa có phân biệt cách dùng đúng, sai công nghệ nhận dạng khuôn mặt"

Trong bức thư gửi đến quốc hội Mỹ, Tổng giám đốc điều hành IBM Arvind Krishna tuyên bố từ bỏ chương trình phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt đa năng vì lo ngại nguy cơ nó bị lạm dụng, trở thành công cụ giám sát hàng loạt, vi phạm nhân quyền và phân biệt chủng tộc, theo Forbes.
Trước đó, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền nhiều lần kêu gọi những hãng công nghệ cần hạn chế triển khai công nghệ nhận diện khuôn mặt, bởi lo ngại lực lượng thực thi pháp luật lạm dụng công cụ này để giám sát quá mức, xâm phạm quyền riêng tư và phân biệt đối xử, theo Reuters. Các nhà hoạt động đồng thời cảnh báo công nghệ nhận diện khuôn mặt còn có nhiều thiếu sót, nhất là trong việc phân tích đặc điểm của người Mỹ gốc Phi.

Nhiều nơi cấm sử dụng

Động thái của nhóm Big Tech diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng khắp nước Mỹ và một số quốc gia trên thế giới sau vụ cảnh sát da trắng dùng đầu gối đè lên cổ người đàn ông da màu George Floyd dẫn đến tử vong hôm 25.5 tại TP.Minneapolis (bang Minnesota).
Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy thuật toán phân tích khuôn mặt trở nên ít chính xác đối với những người có màu da sậm, đồng thời cảnh báo nguy cơ nhận diện sai dẫn đến những vụ bắt giữ bất công. Quốc hội Mỹ từng cân nhắc nhưng đến nay vẫn chưa thông qua luật hay quy định cụ thể nào về quản lý việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Cảnh sát Trung Quốc đeo kính nhận diện tội phạm

Cơ quan quân sự và tình báo Mỹ cũng sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và công cụ này trở nên phổ biến trong những năm gần đây trên thế giới, được tích hợp với hệ thống camera an ninh công cộng. Tuy nhiên, một số thành phố ở Mỹ như San Francisco, Somerville trước đây đã ban hành lệnh cấm sở cảnh sát sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Liên minh Châu Âu đang cân nhắc ban hành lệnh cấm tạm thời trong vòng 5 năm đối với việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt ở nơi công cộng. 
Công cụ kiểm soát của chính phủ Trung Quốc
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh công nghệ giám sát hàng loạt trên khắp đất nước, thậm chí còn nhiều hơn trong đại dịch Covid-19, theo Forbes. Hồi năm 2018, chính phủ Trung Quốc từng công bố kế hoạch lắp đặt 400 triệu camera an ninh trên toàn quốc trong 3 năm, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt có thể nhận dạng bất kỳ công dân Trung Quốc nào trong vòng vài giây, theo trang Quartz.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.