Big 4 kiểm toán 'bó tay' xác định sử dụng vốn trái phiếu của các ngân hàng

Mai Phương
Mai Phương
29/03/2023 11:36 GMT+7

Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết có khó khăn vướng mắc khi triển khai Nghị định 65/2022 và Nghị định sửa đổi xoay quanh nội dung báo cáo tình hình sử dụng vốn từ các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của ngân hàng.

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, Nghị định 65 yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải công bố thông tin định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng vốn với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Ngay sau khi Nghị định 65 được ban hành, các ngân hàng đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính song trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 65), vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ.

Big 4 kiểm toán 'bó tay' để xác định tình hình sử dụng vốn từ trái phiếu  - Ảnh 1.

Có khó khăn vướng mắc khi triển khai Nghị định 65/2022

TN

Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam tiếp tục nhận được ý kiến phản ánh của các thành viên về khả năng không thực hiện được việc công bố thông tin đối với báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn đối với trái phiếu riêng lẻ còn dư nợ năm 2022 theo thời hạn quy định vào ngày 31.3.2023, lý do các công ty kiểm toán chưa thể thực hiện được.

Cụ thể, với các ngân hàng, số tiền thu được từ các kênh huy động vốn (tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi…) sẽ được gộp và hòa vào tổng nguồn vốn huy động để phục vụ các hoạt động như cho vay, tài trợ thương mại… Thực tiễn cho thấy, ngân hàng không thể xác định đích danh nguồn tiền vốn trái phiếu thu từ một đợt phát hành trái phiếu cụ thể được sử dụng cho các khoản cho vay, đầu tư cụ thể nào.

Vấn đề còn phức tạp hơn trong trường hợp khá phổ biến là khoản vay sử dụng vốn trái phiếu được khách hàng trả nợ trước khi trái phiếu đáo hạn. Thông thường trong trường hợp này, ngân hàng cần tái đầu tư vốn trái phiếu vào các khoản cho vay mới. Đây là chu trình quay vòng vốn liên tục và điều này khiến việc theo dõi sử dụng vốn trái phiếu dựa trên nguyên tắc tính khớp đúng giữa dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng trở nên bất khả thi.

Theo yêu cầu của các công ty kiểm toán, để thực hiện kiểm toán báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, các ngân hàng phải có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra được tính khớp đúng giữa dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng. Tuy nhiên, các nhà băng đều chưa có năng lực công nghệ thông tin để theo dõi dòng tiền từ phát hành trái phiếu và đặc biệt với đặc thù của việc luân chuyển dòng vốn liên tục như đã nêu trên

Do vậy, với các trái phiếu đã phát hành, hệ thống của các ngân hàng đều không đáp ứng được yêu cầu của kiểm toán. Với những trái phiếu sẽ phát hành, các ngân hàng cũng sẽ rất khó thực hiện theo yêu cầu của kiểm toán. Vì vậy, hiện các công ty kiểm toán "Big 4" đều chưa xác nhận sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ cho kỳ năm 2022 (phải công bố thông tin vào 31.3.2023).

Mặt khác, chưa có hướng dẫn từ Bộ Tài chính về phương thức, cách thức thực hiện kiểm toán mục đích sử dụng vốn trái phiếu đối với các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng.

Các công ty chứng khoán và công ty tài chính tiêu dùng cũng gặp phải vấn đề như tại các ngân hàng.

Theo đại diện các công ty kiểm toán, ngân hàng nên đề xuất Bộ Tài chính và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bỏ quy định phải kiểm toán về tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu. Các ngân hàng là tổ chức kinh doanh tiền tệ, đã có các quy định rủi ro chặt chẽ nên việc kiểm toán trên không có ý nghĩa đồng thời việc thực hiện theo yêu cầu là rất phức tạp và khó triển khai.

Nếu các vấn đề trên không được khơi thông sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Trong đó, các ngân hàng không thể phát hành trái phiếu mới, trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2, ảnh hưởng tới việc huy động vốn trung dài hạn, từ đó ảnh hưởng tới việc cấp vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.