Biệt đội chống tin thất thiệt ở Ấn Độ

25/07/2017 10:01 GMT+7

Nhằm chống tin thất thiệt lan truyền trên mạng, một số chuyên gia tin học ở Ấn Độ đã lập trang web giúp kiểm chứng thông tin.

Người dân Ấn Độ vẫn chưa thể quên sự việc gây chấn động dư luận hồi đầu năm nay liên quan đến tin giả. Đó là đám đông dân làng ở bang Jharkhand, miền đông Ấn Độ đã đánh chết 7 người vì nghi nạn nhân là những kẻ bắt cóc, buôn bán trẻ em. Sự việc bắt nguồn từ một tin đồn lan truyền trên ứng dụng WhatsApp, kêu gọi mọi người cẩn trọng với kẻ lạ xuất hiện tại làng xóm mình vì đó có thể là bọn bắt cóc trẻ em. Khi tin này lan truyền như tên bắn trên mạng, người dân càng trở nên quá khích, theo BBC dẫn nguồn từ cảnh sát địa phương. Họ tự trang bị vũ khí và bắt đầu tấn công vào những người khả nghi, dẫn đến cái chết thương tâm của nhiều người vô tội.
Hầu hết tin đồn ở Ấn Độ đều lan truyền qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp và điện thoại di động. Thống kê cho thấy có hơn 1 tỉ thuê bao điện thoại di động tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. “Điện thoại thông minh và các gói dữ liệu giá rẻ ngày càng phổ biến góp phần khiến tin đồn lan truyền xa và nhanh hơn. Đột nhiên người dân ở các khu vực nông thôn bị nhấn chìm trong biển thông tin và không thể phân biệt đâu là tin thật đâu là tin nhảm. Họ có xu hướng tin vào mọi điều được gửi đến họ”, chuyên gia Pratik Sinha, nhà sáng lập trang web kiểm chứng tin tức Altnews.in, cho biết.

tin liên quan

Bất an 'hội chứng bắt cóc'
Liên tiếp những vụ người dân bị bắt, đánh đập tàn nhẫn, phá hoại tài sản... chỉ vì những tin đồn vô căn cứ 'bắt cóc', khiến người bị oan thiệt hại sức khỏe và tài sản, còn xã hội bất an.
Những “chiến binh” thầm lặng
Sinha là một trong số ít người đang nỗ lực chống lại làn sóng tin vịt tràn lan ở Ấn Độ. Từng là kỹ sư phần mềm, Sinha hiện điều hành Altnews.in bằng tiền túi của mình cũng như từ doanh thu quảng cáo. Theo BBC, Altnews.in giúp kiểm tra tính xác thực của các câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội và WhatsApp, kiểm chứng hình ảnh và video, đồng thời giúp “tố giác” những tin bài đăng báo lấy nguồn từ tin đồn. Cho đến nay, Sinha đã vạch trần nhiều thông tin thất thiệt, trong đó có một đoạn video cho thấy một cô gái Hindu bị đám đông người Hồi giáo đánh đập và được mọi người nhiệt tình chia sẻ. Đoạn video trên thực ra từng xuất hiện trên mạng 2 năm trước đó và cô gái trong đoạn clip là người Guatemala.
Tương tự, công việc của Pankaj Jain - người sáng lập trang web SMHoaxSlayer.com - cũng là giúp kiểm chứng các nguồn tin lan truyền trên mạng. Kể lại trên BBC, Jain cho biết đã nảy ra sáng kiến lập trang web này là do liên tục nhận tin vịt trên WhatsApp. Jain trở nên nổi tiếng sau khi là một trong những người đầu tiên lên tiếng bác bỏ thông tin đang lan truyền trên mạng rằng tờ 2.000 rupee mới của Ấn Độ có gắn “chip nano GPS” để theo dõi quá trình giao dịch của nó. “Tôi tìm hiểu kỹ và thấy rằng chip nano GPS cần có nguồn năng lượng để hoạt động trong khi tờ tiền mới rõ ràng là không thể có”, Jain giải thích.
Shammas Oliyath, người điều hành trang web Check4spam.com, là một “chiến binh” khác trong cuộc chiến chống tin giả ở Ấn Độ. Oliyath có nhiệm vụ phân loại tin thật và tin giả trên WhatsApp. Chuyên gia phần mềm này cho hay hầu hết các tin anh xử lý đều liên quan đến chính trị. Anh nhận khoảng 200 tin nhắn nhờ kiểm chứng trên WhatsApp mỗi ngày. Oliyath được nhiều người biết đến sau khi buộc một hãng truyền thông rút lại bài báo có nội dung thất thiệt.
Dù thừa nhận khó có thể kiểm chứng được hết các tin thất thiệt lan truyền trên mạng song 3 “chiến binh” trên không ngừng nỗ lực để làm tốt công việc của mình. Sinha cho biết Altnews.in có gần 3,2 triệu lượt xem trong vòng 5 tháng, trong khi SMHoaxSlayer.com thu hút khoảng 250.000 lượt xem hằng tháng. Theo Oliyath, Check4spam.com có khoảng 15.000 lượt truy cập mỗi ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.