Biến thể vi rút gây bệnh Covid-19 liệu có đáng sợ?

Thanh Tùng
Thanh Tùng
01/07/2022 17:55 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, vi rút gây bệnh Covid-19 sẽ có các biến thể, nhưng không đáng lo ngại như trước, vì đa phần người dân các quốc gia đã có miễn dịch từ tiêm vắc xin, cơ thể có kháng thể; hiện đã có các thuốc kháng vi rút, các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh...

Đó là thông tin đưa ra tại chương trình trực tuyến dành cho gần 100 phóng viên các báo đài thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra ngày 30.6.

Chủ đề của chương trình là: "Những ưu tiên y tế đang thay đổi ở châu Á - Thái Bình Dương - bài học từ Covid-19".

Mục tiêu của chương trình nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong lĩnh vực y tế, nhất là trong đại dịch, để tăng cường tiếp cận giữa phóng viên và nhà chuyên môn, nhằm chuyển tải thông tin y khoa, dịch bệnh đúng, chính xác, kịp thời. Chương trình này tổ chức hằng năm, năm nay là lần thứ 2, với chủ đề như trên.

Biến thể vi rút gây Covid-19 tới đây có đáng lo ngại?

Tại chương trình, trả lời câu hỏi được nhiều người quan tâm về dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 sắp tới, các chuyên gia cho rằng: vi rút gây bệnh Covid-19 sẽ có các biến thể, nhưng khả năng sẽ không đáng lo ngại như trước, vì hiện nay đa phần người dân các quốc gia đã có miễn dịch từ tiêm vắc xin, cơ thể có kháng thể... Bên cạnh đó hiện đã có các thuốc kháng vi rút, các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh...

Các chuyên gia trong số những chuyên gia tham gia chương trình dành cho phóng viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương

chup màn hình

GS. Anna Lisa T. Ong-Lim - Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, Đại học Y khoa - Bệnh viện đa khoa Philippines, cho rằng: Vi rút luôn có biến thể. Trước đây việc phân lập vi rút chưa tốt, nhưng hiện nay việc phân lập vi rút tốt hơn, cộng với có các biện pháp điều trị, công cụ đối phó hiệu quả với dịch bệnh nên khả năng sẽ không phải phong tỏa trong phòng chống dịch như trước.

Theo GS. Ivan Hung - chuyên về lâm sàng và trợ lý Hiệu trưởng, Khoa Dược, Trường Dược lâm sàng, Khoa Dược Li Ka Shing, Đại học Hồng Kông và và tư vấn danh dự tại Bệnh viện Queen Mary, Hồng Kông SAR: Hiện có sự đầu tư vào các thuốc miễn dịch, thuốc kháng vi rút; việc nghiên cứu vắc xin sẽ nhanh hơn trước đây.

GS. Jung Ki-Suck (chuyên về bệnh phổi, dị ứng và chăm sóc nghiêm trọng, Trung tâm Y tế Đại học Hallym, nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc), nói: "Dù có các biến thể mới, chúng ta cũng cần mở cửa, miễn là giảm số ca tử vong, ca nặng... Khi chuyển qua bệnh lưu hành thì mọi người sẽ không lo ngại nhiều về việc nhiễm Covid-19".

Các chuyên gia cho rằng ngoài có vắc xin, thuốc kháng vi rút, các quốc gia đã có những kinh nghiệm trong ứng phó với dịch bệnh

khả hòa

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải tiếp tục duy trì giám sát vi rút gây bệnh Covid-19; giám sát các chợ bán động vật; đầu tư cho hệ thống y tế... để phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

Làm gì nếu có đợt dịch mới?

Chuyên gia cho rằng, cần có vắc xin phổ rộng, vừa chống biến thể cũ và mới của vi rút, nhắm vào một họ của vi rút, thay vì vắc xin chỉ khu trú vào phòng 1 hay vài biến thể của vi rút, vì vi rút luôn thay đổi, có như vậy sẽ hiệu quả hơn; cần có đủ các thuốc điều trị - đây là hai mảng cần đầu tư mạnh để đối phó với dịch bệnh.

GS. Jung Ki-Suck (Hàn Quốc) nhận định: "Sắp tới có thể không có đỉnh dịch, vì miễn dịch đến từ vắc xin, kháng thể tự nhiên..."

Theo GS. Anna Lisa T. Ong-Lim (Philippines), cần tập trung vào công nghệ để có các giải pháp cho y tế. Các giải pháp phải được triển khai nhanh chóng qua các nền tảng số hóa.

Phó giáo sư Jeremy Lim (Giám đốc các chương trình y tế toàn cầu, Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore), nói: "Chúng ta phải truyền thông chính xác; các nhà khoa học không chỉ chú ý đến vắc xin, thuốc, mà cần để ý việc truyền thông cho tốt, đúng, để thông tin đến với cộng đồng. Chúng ta cần trao đổi thông tin, truyền thông về các tác nhân gây bệnh; cần tạo lập mạng lưới quan hệ trao đổi thông tin giữa các nước..."

GS. Jung Ki-Suck (Hàn Quốc) cho rằng mong uớc của ông là có sự đa dạng về các thuốc kháng vi rút. Vừa đa dạng, vừa sẵn có nhiều hơn để dễ tiếp cận.

Cần đầu tư cho y tế

Các chuyên gia cho rằng, qua đại dịch Covid-19 cho thấy các quốc gia cần quan tâm đầu tư cho y tế là điều hết sức cần thiết.

Qua đại dịch, ngành y tế đã tìm ra những biện pháp phục vụ y tế cho người bệnh, không chỉ tiếp xúc trực tiếp bác sĩ - bệnh nhân, mà thông qua các nền tảng công nghệ số để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Các chuyên gia chia sẻ về việc trong thời điểm dịch Covid-19, trong khi có nước dư vắc xin, nơi thì thiếu, do vậy cần trao đổi chia sẻ thông tin cho nhau giữa các quốc gia để việc sử dụng vắc xin hiệu quả hơn.

GS. Anna Lisa T. Ong-Lim (Philippines): "Chúng ta mong muốn vắc xin được chia sẻ toàn cầu, vì trong đại dịch cho thấy nhiều quốc gia khó khăn thiếu thuốc, vắc xin, khả năng tiếp cận bị hạn chế".

Các chuyên gia cũng thông tin liên quan đến ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số bệnh mạn tính gia tăng tử vong, có thể do việc thiếu tiếp cận dịch vụ y tế bởi đại dịch; hoặc thiếu tiếp cận với các vắc xin phòng các bệnh khác. Khi quay lại bình thường, các bệnh khác dễ bùng phát, tăng tử vong.

Phó giáo sư Jeremy Lim (Singapore), cho rằng đại dịch không chỉ tác động ngắn hạn mà tác động sâu rộng. Trong giai đoạn đại dịch, các nước lo tập trung phòng chống Covid-19. Có những em bé lẽ ra không bị bệnh nhưng do không được tiêm ngừa phòng các bệnh nên đã mắc bệnh; nhiều bệnh nhân ung thư không đi khám...

"Hiện các công nghệ đã có nên chúng ta đừng để bệnh nhân không được tiếp cận dịch vụ y tế, cần thay đổi cách tiếp cận người bệnh, không chỉ mặt đối mặt bác sĩ - bệnh nhân mới khám bệnh được" - Phó giáo sư Jeremy Lim nói.

Trong đại dịch, có sự hỗ trợ từ y tế tư nhân

Tại chương trình nói trên, các chuyên gia cũng chia sẻ về việc, trong đại dịch Covid-19 cho thấy khối y tế tư nhân tại các quốc gia đã hỗ trợ cho hệ thống y tế nhà nước trong phòng chống dịch, chủng ngừa...

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (hàng đầu, bên phải), trong phòng chống dịch Covid-19, có sự hỗ trợ của hệ thống y tế ngoài công lập với ngành y tế

n.Q

Cùng ngày (30.6), phát biểu tại lễ đưa vào hoạt động phòng khám đa khoa quốc tế (thuộc hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn), PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chia sẻ, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, hệ thống y tế ngoài công lập trong nước đã hỗ trợ cho ngành y tế rất nhiều trong công tác phòng chống dịch, trong đó có Bệnh viện Hoàn Mỹ.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, việc đưa vào hoạt động các cơ sở y tế chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh trong nước, giúp họ không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh nhiều như những năm trước đây, giúp người bệnh đỡ tốn kém chi phí, thời gian đi lại.

Ông Khuê lưu ý, các cơ sở y tế cần chú tâm lấy người bệnh làm trung tâm, tính toán chi phí khám chữa bệnh phù hợp với thu nhập của người dân, và luôn đảm bảo an toàn cho người bệnh; cần có sự hợp tác với các chuyên gia, bệnh viện nước ngoài...

PGS-TS Lương Ngọc Khuê cũng lưu ý, ngoài phòng chống dịch bệnh Covid-19, TP.HCM cũng cần chú ý phòng chống các bệnh đang gia tăng như sốt xuất huyết, tay chân miêng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.