“NET ZERO” ở Tập đoàn TH:

Biến phân bò, bùn thải thành tài nguyên quý

13/07/2023 18:25 GMT+7

Mỗi ngày, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại trang trại TH xử lý hơn 800 tấn chất thải (bùn vi sinh, phân bò sau tách nước, thức ăn thừa của đàn) trở thành phân bón hữu cơ - tài nguyên quý, tương lai mang lại doanh thu trăm tỉ mỗi năm.

Biến phân bò, bùn thải thành tài nguyên quý - Ảnh 1.

Công nghệ ủ hiếu khí, đảo trộn của Đức giúp bẻ gãy, không cho carbon phân hủy ra khí CH4 mà chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng hữu cơ

TH

Hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn 4F

Sở hữu nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ rộng 4,2 ha đặt tại Nghệ An, TH tự hào là doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam đang vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón hữu cơ).

Ông Phạm Vinh Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phân bón Xanh (đơn vị vận hành nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ) thuộc Tập đoàn TH, chia sẻ nhà máy xử lý mỗi ngày hơn 800 tấn chất thải, phần lớn là phân bò, ngoài ra có một phần bùn thải thu hồi từ nhà máy xử lý nước thải, thức ăn thừa của đàn bò sữa… Nếu không được xử lý mà để phân hủy tự nhiên, lượng chất thải này có thể sinh ra khí mê tan (CH4) - loại khí gây hiệu ứng nhà kính.

Biến phân bò, bùn thải thành tài nguyên quý - Ảnh 2.

Sau 8 tiếng khử trùng, toàn bộ bã phân được loại bỏ hoàn toàn vi sinh vật có hại và đạt đến độ tơi xốp, sạch ở mức vô trùng

TH

Để xử lý phân bò, bùn thải, ngăn chặn phát thải khí mê tan ra môi trường tự nhiên, TH ứng dụng công nghệ tách nước khỏi phân và công nghệ tái tạo nền chuồng nhanh hiện đại bậc nhất thế giới.

Hàng ngày, phân bò lẫn nước thải từ các trang trại được thu gom, tách nước triệt để và bã phân sau tách nước được tự động đưa vào hệ thống máy tái tạo nên chuồng nhanh BRU xử lý nhiệt.

Sau 8 tiếng khử trùng, toàn bộ bã phân được loại bỏ hoàn toàn vi sinh vật có hại và đạt đến độ khô, tơi xốp, sạch ở mức vô trùng, trở thành lớp đệm lót sinh học lý tưởng cho đàn bò sữa. Giải pháp tái tạo nền chuồng nhanh này còn góp phần thực hiện tốt an toàn sinh học, kiểm soát, ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm vào trang trại.

Ngoài bã phân đã tách nước, bùn thải thu hồi từ nhà máy xử lý nước thải và thức ăn thừa của đàn bò sữa cũng được dùng để sản xuất phân bón hữu cơ. Các nguyên liệu này được phối trộn cùng men vi sinh nhập khẩu từ Mỹ, sau đó đánh luống, ủ trong 45 ngày với thiết bị công nghệ ủ hiếu khí, đảo trộn của Đức.

"Công nghệ ủ hiếu khí có đảo trộn này giúp bẻ gãy và không cho cacbon phân hủy thành khí CH4 mà đưa carbon chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng hữu cơ. Sau 45 ngày, hỗn hợp phân bón sẽ tơi khô, hoàn toàn không còn mùi hôi và có thể sử dụng để sản xuất các dòng sản phẩm phân hữu cơ khác nhau", ông Sơn nói.

Biến phân bò, bùn thải thành tài nguyên quý - Ảnh 3.

Phân bò, bùn thải thành tài nguyên quý

TH

Tăng giá trị cạnh tranh, giảm ô nhiễm môi trường

Theo ông Sơn, Tập đoàn TH đầu tư nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ năm 2010 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở các nông trại, giảm thiểu sử dụng phân bón vô cơ. Đến nay, phân bón hữu cơ của nhà máy đã được Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) kiểm định chất lượng, cấp mã số lưu hành, chứng nhận hợp quy để tham gia thị trường phân bón.

Trước đây TH phải nhập khẩu phân NPK, nhưng từ khi tăng đàn bò, nhà máy sản xuất được phân bón hữu cơ thì tỉ lệ nhập khẩu, sử dụng phân NPK giảm mạnh theo từng năm. "Đến năm 2022, TH chỉ còn phải nhập khẩu dưới 6% tổng lượng phân sử dụng", ông Sơn chia sẻ.

Biến phân bò, bùn thải thành tài nguyên quý - Ảnh 3.

Phân thải của đàn bò sữa đã trở thành nguyên liệu quý để sản xuất phân bón hữu cơ

TH

 Đặc biệt, chất thải hữu cơ từ các trang trại bò sữa, nhà máy nước thải của TH giờ đây đã trở thành nguồn tài nguyên - nguyên liệu quý giá để sản xuất sản phẩm phân bón dạng viên nén. Đây là sản phẩm chủ lực, giá trị cao khi hiện tại ở Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp có sản phẩm này.

"Yếu tố quyết định để sản xuất thành công phân bón dạng viên nén là các nhà máy phải chủ động, kiểm soát được chất lượng nguồn nguyên liệu. Nếu nguyên liệu đầu vào không đồng đều, lẫn tạp chất thì không thể ép thành viên. Đây lại là lợi thế của TH, khi chúng tôi hoàn toàn chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu", ông Sơn nói.

Trong bối cảnh sản phẩm phân bón viên nén hữu cơ tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đang chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan… và có giá bán rất cao, việc nhà máy phân bón hữu cơ của TH có năng lực sản xuất với công suất 36.000 tấn/năm sẽ có được lợi thế cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

Hiện tại, sản phẩm phân bón hữu cơ của TH ngoài cung ứng nội bộ cũng đã chứng minh được hiệu quả vượt trội khi phân phối cho các vùng sản xuất cây ăn quả tại Hải Dương, Tây Nguyên, Sơn La…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.