"Biến hóa" cùng dòng tiền

14/10/2008 14:16 GMT+7

Không phải ai cũng thành công được với các nghề thuộc lĩnh vực tài chính, làm chủ và điều khiển được dòng chảy của đồng tiền...

Yêu số liệu
 
Khi làm bất cứ nghề nào trong ngành tài chính, từ kế toán, kiểm toán cho đến ngân hàng, tài chính, chứng khoán... bạn trẻ sẽ có được kiến thức khá rộng về sự vận hành tài chính của tổ chức, hiểu được quy luật luân chuyển tiền tệ. Từ nền tảng này, việc thăng tiến theo chiều dọc trong ngành tài chính như vươn đến các vị trí kế toán trưởng, giám đốc tài chính, chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính...; hay theo chiều ngang nếu bổ sung thêm các kỹ năng chuyên môn khác, như giám đốc marketing, trưởng phòng nhân sự, giám đốc kinh doanh...; hay thậm chí là giám đốc điều hành cũng không quá gian nan vì rất nhiều vị trí cao cấp đòi hỏi hiểu biết liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Bên cạnh đó, nếu lỡ "yêu" những con số, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần để "yêu" luôn áp lực công việc căng thẳng, trách nhiệm cao cùng vô vàn con số luôn sẵn sàng "quật ngã" bạn không chỉ trong 8 giờ vàng ngọc ở công sở. "Mỗi con số trên bảng kế toán, hay báo cáo tài chính không hề khô khan nếu ta làm cho nó biết nói. Nhưng đôi khi sự đời không như mình mong muốn, nhiều lúc tôi ngồi phân tích một báo cáo tài chính của một công ty, xem báo cáo tôi năn nỉ mấy con số "nói đi, nói đi" mà nó cứ im phăng phắc, làm mình cũng nhức cả đầu" - thành viên DaviQ chia sẻ phần nào áp lực của nghề kế toán trong chủ đề "Có nghề nào khô hơn nghề kế toán?" trên diễn đàn nghề nghiệp http://www.jobviet.com/

Để có thể "lắng nghe" được "tiếng nói" của những con số, ngay từ khi còn học ở giảng đường, bạn trẻ cần chuẩn bị cho mình khả năng phân tích, kỹ năng tính toán, suy luận cũng như sự tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Nguyên nhân là vì trong những nghề này, "sai con toán, bán con trâu" là chuyện rất dễ xảy ra với những hệ lụy khó lường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toàn, CEO của TNK Capital Partners thì: "Không có tố chất thiên bẩm nhưng đam mê nghề này thì vẫn có thể theo đuổi công việc nếu cần cù, chịu khó phấn đấu trong học tập và công việc".

Dọn đường trước

Các bậc "lão làng" khuyên bạn trẻ nên tận dụng tối đa thời gian học tập trên giảng đường để trau dồi các kiến thức về tài chính, kế toán. Khi mới tốt nghiệp, thực tập tại các công ty cũng là một môi trường học hỏi khá chuyên nghiệp giúp các bạn dần làm quen với các nghiệp vụ chuyên môn cũng như đặc thù kinh doanh của từng công ty. Bên cạnh đó, các thông tư, văn bản hướng dẫn của Nhà nước cùng việc cập nhật thông tin về các mảng liên quan như quản trị tài chính, tín dụng quốc tế, chứng khoán và ngân hàng... mỗi ngày sẽ trang bị cho bạn một cái nhìn đa chiều về những biến động của thị trường tài chính.

Để tiến nhanh hơn trong lộ trình thăng tiến, ngoài các kiến thức chuyên môn, bạn còn cần trang bị cho mình một số kỹ năng mềm giúp thích nghi tốt hơn với công việc và làm việc hiệu quả hơn. Giao tiếp tốt, sự tự tin, chững chạc và khả năng làm việc độc lập là những yếu tố không thể thiếu của một nhân viên trong ngành tài chính. Bên cạnh đó, khả năng quan sát tốt và óc phán đoán, phân tích nhạy bén là những yếu tố cộng thêm khá quan trọng nếu đích đến của bạn là vị trí CFO (giám đốc tài chính). Một CFO giỏi luôn nhạy cảm với các thông tin, nhanh chóng đưa ra các chiến lược điều phối các nguồn tiền ra - vào. Ngoài ra, kiến thức về quản trị, khả năng tổ chức và trình bày thông tin tài chính một cách khoa học sẽ trở thành cánh tay đắc lực cho các bạn trẻ mong mỏi vươn tới vị trí CFO trong tương lai. Gần đây, sinh viên các trường đại học có khá nhiều cơ hội để thử sức với sân chơi chứng khoán, tiếp cận với công việc của CFO qua các sàn giao dịch ảo hay nhiều cuộc thi như "Bản lĩnh giám đốc tài chính - CFO", "Scue - Nhà đầu tư chứng khoán tương lai"... do trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức. 

Kỳ sau: Những nghề thuộc công nghệ giải trí

Khả Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.