Biển Đông làm nóng đối thoại Mỹ - Trung

07/06/2016 09:19 GMT+7

Ngay khi bắt đầu cuộc đối thoại song phương, đại diện Mỹ và Trung Quốc nêu lập trường khác biệt của mỗi bên về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Sáng 6.6, Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 8 bắt đầu diễn ra tại Bắc Kinh, dưới sự đồng chủ trì của Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, theo Tân Hoa xã.
Cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày bàn về nhiều chủ đề liên quan đến an ninh, chính sách ngoại giao cũng như kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, ngay tại buổi khai mạc, tranh chấp Biển Đông đã làm nóng cuộc đối thoại khi hai bên đưa ra lập trường khác biệt về vấn đề này.
Cụ thể, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh vấn đề tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết giữa các nước liên quan. Trong khi đó, Ngoại trưởng Kerry khẳng định vấn đề tranh chấp Biển Đông không nên được giải quyết bằng hành động đơn phương mà phải thông qua luật pháp, ngoại giao và đàm phán, theo Kyodo News. “Chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông và phản đối bất kỳ quốc gia nào quyết đeo đuổi tuyên bố chủ quyền thông qua hành động đơn phương”, AFP dẫn lời ông Kerry phát biểu tại đối thoại.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc đối thoại Mỹ - Trung Reuters
Cũng tại buổi khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hai nước quản lý hợp lý những bất đồng và vấn đề nhạy cảm, thắt chặt niềm tin chiến lược đối với nhau, theo Tân Hoa xã. Ông còn kêu gọi hai nước tăng cường liên lạc và hợp tác về các vấn đề ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Tập nhấn mạnh rằng “một số tranh chấp có thể không được giải quyết trong hiện tại”, nhưng hai bên cần có thái độ “xây dựng và thực tế” đối với những tranh chấp đó. “Thái Bình Dương rộng lớn phải là nơi dành cho hợp tác, không phải nơi để cạnh tranh”, AFP dẫn lời ông Tập cho hay.
Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian vừa kêu gọi các nước thành viên Liên minh Châu Âu phối hợp tuần tra hải quân để đảm bảo sự hiện diện “đều đặn và có thể thấy được” ở khu vực, theo Bloomberg. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 5.6, ông Le Drian cho biết thêm từ đầu năm tới nay, tàu hải quân Pháp đi qua Biển Đông 3 lần và sẽ tiếp tục làm điều này trong tương lai.
Đài Loan không công nhận ADIZ trên Biển Đông
Ngày 6.6, người đứng đầu Cơ quan phòng vệ Đài Loan Phùng Thế Khoan tuyên bố Đài Bắc sẽ không công nhận bất kỳ Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) nào do Trung Quốc thiết lập trên Biển Đông, theo Hãng tin CNA. Ông Phùng còn khẳng định với giới nghị viên rằng nếu Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông, Đài Loan sẽ phớt lờ những yêu cầu tự khai báo khi cho máy bay bay vào ADIZ đó. Ngoài ra, trong một báo cáo trình cơ quan lập pháp Đài Loan mới đây, Cục An ninh của vùng lãnh thổ này cho hay họ không loại trừ khả năng Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông và cảnh báo hành động đó sẽ khơi mào làn sóng căng thẳng mới ở khu vực, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.