Biển đảo Tây Nam: Mạch máu Việt nối liền với biển

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
21/11/2023 08:09 GMT+7

"Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi/Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển/Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển...".

Tôi đọc nhiều lần những câu này trong bài "Những huyết cầu Tổ quốc" của tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên, mỗi khi đến một điểm đảo ở Tây Nam. Tôi cũng tin rằng ai cũng đã "trưởng thành" thêm về mặt tinh thần khi trở về đất liền, lý do vì thấy mình nhỏ bé hơn, thấy mình yêu đất nước nhiều hơn.

Theo lời của trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân, vùng biển Tây Nam của Tổ quốc tiếp giáp 3 nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Đây là vùng biển rất quan trọng, mang tính chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Không những vậy, vùng biển này còn có tiềm năng về đánh bắt thủy hải sản, nuôi trồng, du lịch, khoáng sản, dầu khí...

Biển đảo Tây Nam: Mạch máu Việt nối liền với biển - Ảnh 1.

Những thùng quà của người dân TP.HCM được mang đến đảo Hòn Khoai

QUANG LIÊM

Dù được nhà nước quan tâm đầu tư, tuy vậy trung tướng Nguyễn Văn Bổng vẫn đánh giá vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhất là ở các đảo xa bờ hay các đảo có địa hình, khí hậu khắc nghiệt như Thổ Châu, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai.

"Chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến đời sống của nhân dân trên đảo cũng như nghị lực, bản lĩnh cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và các lực lượng khác đóng quân. Quân và dân trên đảo ở đâu cũng đều hết sức đoàn kết, phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ lẫn nhau rất chí tình", trung tướng Nguyễn Văn Bổng nói và mong muốn đề xuất với Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục chăm lo đời sống quân và dân trên đảo ngày một tốt hơn; từng bước khắc phục các vấn đề nan giải cần giải quyết như cơ sở hạ tầng, nước ngọt, điện, y tế, giáo dục.

"Đối với ngư dân, cùng với việc chăm lo động viên, chúng tôi cũng giao nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang động viên bà con khai thác thủy hải sản đúng pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời vừa đánh bắt vừa nuôi trồng, bảo vệ thủy hải sản lâu dài cho các thế hệ sau, không đánh bắt tận diệt. Hiện nay, nguồn lực thủy sản ở một số khu vực đã bị suy giảm", trung tướng Nguyễn Văn Bổng nói và gửi gắm mong muốn cán bộ, chiến sĩ tiếp tục kiên cường, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.

Chuyến hải trình lần này, tất cả mọi người đều có chung một cảm giác rất trách nhiệm. Như chia sẻ của bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, mỗi năm TP.HCM được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tạo điều kiện để cán bộ, nhân dân TP.HCM thăm các đảo ở Trường Sa, vùng biển Tây Nam và nhà giàn DK. Đối với bà, mỗi chuyến đi đều để lại nhiều ấn tượng đẹp. Với chuyến hải trình về vùng biển Tây Nam, mỗi thành viên trong đoàn được tận mắt chứng kiến sự phát triển của các đảo, sự hùng vĩ của đất nước và quan trọng hơn là nhìn thấy sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đang làm nhiệm vụ rất thiêng liêng: bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Biển đảo Tây Nam: Mạch máu Việt nối liền với biển - Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM Trần Kim Yến (thứ hai từ trái sang) thăm, động viên chiến sĩ ở nhà giàn DK1/10 trong chuyến hải trình Tây Nam

QUANG LIÊM

"Chúng tôi cảm phục các lực lượng trên đảo. Có thể nói, sau mỗi chuyến đi như vậy, mỗi đại biểu là những truyền thông viên tích cực nhất đối với người dân TP.HCM, đem tình cảm, sự gửi gắm của đảo xa về với đất liền. Rồi người dân TP.HCM lại gửi gắm về các điểm đảo từ những công trình rất nhỏ: máy lọc nước, vườn rau mái che... để giúp các cán bộ, chiến sĩ, ngư dân sinh hoạt thuận tiện hơn. Màu xanh phủ ở các đảo khẳng định rằng quê hương ta chỗ nào cũng đẹp, và thấy được trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo là của mỗi người dân", bà Yến nói.

Từ năm 2006, hướng về các điểm đảo, nhà giàn DK trên vùng biển của đất nước, TP.HCM xây dựng nguồn quỹ "Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc" (sau này đổi tên thành "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc"). Thời điểm đó, đã có rất nhiều đoàn đại biểu đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa. Từ năm 2016, TP.HCM tổ chức đoàn đến thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và đoàn đầu tiên được tổ chức với 60 đại biểu đi bằng tàu HQ 632; đến nay TP.HCM đã tổ chức được 6 đoàn, với hơn 600 đại biểu tham dự.

Theo bà Trần Thị Kim Yến, dù không phải người dân nào của TP.HCM đều được đến vùng biển, điểm đảo xa xôi của đất nước; nhưng luôn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình, một trong số đó là ủng hộ nguồn quỹ này để hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và người dân khó khăn.

Biển đảo Tây Nam: Mạch máu Việt nối liền với biển - Ảnh 3.

Trẻ em ở đảo Nam Du

THU NGÂN

"Có nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí rất lớn, nhưng chúng tôi rất xúc động khi có những bác hưu trí tiết kiệm lương hưu hay học sinh tiết kiệm sinh hoạt để đóng góp", bà Yến kể.

Trong 6 năm qua, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã có nhiều công trình dành tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở vùng biển Tây Nam như bể chứa nước ngọt, vườn tăng gia, chăn nuôi tập trung, bờ kè trạm ra đa, hệ thống thu gom tái sử dụng nước mưa, máy lọc nước và nhiều trang thiết bị, máy móc, phương tiện đi lại, các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt..., với tổng kinh phí hơn 28 tỉ đồng.

Riêng trong chuyến hải trình lần này, TP.HCM đã trao tặng 3 khu tăng gia, chăn nuôi tập trung ở đảo Nam Du, Ghềnh Dầu, Phú Quốc; tặng công trình bờ kè trạm ra đa đảo Hòn Đốc; tặng 8 xe máy cho cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Đốc và Thổ Châu; tặng 2 hệ thống thu gom tái sử dụng nước mưa, 2 bồn chứa nước lưu động cho đảo Hòn Chuối, Thổ Châu và tặng máy móc, trang thiết bị, vật dụng sinh hoạt, tiền mặt cho các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các điểm đảo. Tổng trị giá công trình, quà tặng là hơn 4,5 tỉ đồng.

Biển đảo Tây Nam: Mạch máu Việt nối liền với biển - Ảnh 4.

Hoang sơ Hòn Khoai

THU NGÂN

Điều đặc biệt khác, mỗi chuyến hải trình, TP.HCM mời các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học tham dự để nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính quyền TP.HCM có công trình, dự án thiết thực hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.

Bà Yến khẳng định: "Ai ở vị trí nào, góc độ nào cũng hướng về biển đảo và góp sức cho đảo mạnh hơn, đẹp hơn. Ai cũng hiểu và mưu cầu hòa bình để đất nước phát triển". Qua đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cũng mong rằng chuyến đi sẽ lan tỏa, nhận được sự đóng góp, hưởng ứng của nhân dân cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.