Biển báo giao thông tùy tiện đủ kiểu

18/01/2022 09:54 GMT+7

Trên khắp các nẻo đường đất nước, từ các thị trấn nhỏ miền núi xa xôi đến các thành phố, kể cả Thủ đô, thậm chí trên những con đường cao tốc hàng tỉ đô la, chúng ta thường gặp nhiều biển báo viết tùy tiện các ký hiệu đơn vị đo, không đúng quy định.

Đặc biệt, các ký hiệu mét, kilômét, khi là M, khi là Km hay KM, và tấn ký hiệu khi là t, khi là T, kilômét trên giờ (km/h) viết thành KM/H... Những lỗi viết như vậy thật không xứng hợp với tầm vóc hiện đại của công trình.

Vậy, ở nước ta quy định viết như thế nào là đúng?

Hình 1: Ký hiệu không thống nhất trên cùng một biển báo: km, KM

Áp dụng vào biển báo giao thông

Dựa trên cơ sở pháp lý và khoa học, như luật, nghị định, công ước, tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về đo lường, có thể tóm tắt quy định về cách viết tên các đại lượng và các trị số đi kèm đơn vị trên biển báo giao thông cụ thể như sau:

- Các biển báo nào liên quan đến khối lượng của xe thì chúng phải được đo bằng tấn, ký hiệu là t. Đó không phải là tải trọng hay trọng lượng, bởi tải trọng và trọng lượng là các đại lượng lực, đo bằng niutơn (N), không đo bằng tấn (t).

Như vậy, các biển Trạm Kiểm tra tải trọng (Trạm KTTT) ta thường thấy trên đường, như hình 2, đúng ra cần gọi là Trạm cân xe. Kết quả cân ở đó cho ta số đo khối lượng xe tính bằng tấn (t).

Hình 2: Trạm KTTT (Trạm kiểm tra tải trọng), viết đúng phải là “Trạm cân xe”

Một số biển báo viết chữ "trọng lượng" và ký hiệu T như hình 3, cũng là không đúng, bởi T là ký hiệu tấn lực đã lỗi thời, trái với quy định hiện hành, đã bị hủy bỏ theo luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.

Hình 3: Viết sai “trọng lượng” và ký hiệu T, viết đúng phải là "khối lượng" và ký hiệu t

- Trị số và ký hiệu đơn vị đo đi cùng như mét (m), kilômét (km), tấn (t), kilôgam (kg), kilômét trên giờ (km/h) phải viết thường, thẳng đứng, không nghiêng, bất kể những từ xung quanh viết kiểu chữ gì.

Một số ý kiến cho rằng, trên các cột kilômét hay các biển báo lý trình, ký hiệu kilômét cần viết hoa chữ K (Km), ví dụ ở hình 4.

Hình 4 : Viết sai ký hiệu Km, sai dấu thập phân, giữa trị số và đơn vị không có dấu cách, sai chính tả

Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật hiện hành nói trên cũng như các văn bản lịch sử, kể từ Sắc lệnh số 8/SL do Chủ tịch nước công bố ngày 20.1.1950 đến các nghị định và pháp lệnh về sau, đều quy định ký hiệu kilô (bằng 1000) là k. Ký hiệu kilô viết hoa chỉ có trong công nghệ thông tin, như Kb (kilô bit) hay KB (kilô bai). Nhưng ở đó, K không phải là bội thập phân mà bằng 210 = 1024.

- Trị số và đơn vị đo không được viết liền, giữa chúng phải có một hoặc một nửa dấu cách. Phần lớn các biển báo trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã viết đúng, như hình 5. Tuy nhiên, trên những con đường mới khánh thành sau năm 2016 vẫn thấy xuất hiện lỗi viết cũ.

Hình 5: Trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các biển báo chỉ dẫn viết đúng

- Khi viết trị số, dấu thập phân phải là dấu phẩy, không phải dấu chấm; ví dụ viết 2,5 t, không viết 2.5 t. Điều này là theo quy định của mỗi quốc gia, chẳng hạn ở Đức, Ý và một số nước châu Âu khác cũng dùng dấu phẩy, nhưng ở Anh và Bắc Mỹ lại dùng dấu chấm. Công ước Vienna 1968, tất nhiên, không thể đòi hỏi các nước với ngôn ngữ rất khác nhau phải viết giống nhau, mà khuyến nghị mạnh mẽ rằng, các đơn vị đo phải thống nhất trong hệ thống luật pháp của quốc gia thành viên (domestic legislation).

Lời kết

Để khắc phục những bất cập nêu trên, trước hết cần soát xét lại Quy chuẩn và các văn bản pháp luật liên quan. Tiếp theo, cần mở những lớp tập huấn cập nhật kiến thức cho các cán bộ quản lý, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, các sở GTVT địa phương và giáo viên các trường đào tạo lái xe. Đặc biệt các địa phương cần kiểm tra và cấp phép lại chỉ cho các cơ sở xí nghiệp chế tạo biển hiệu nào có đủ điều kiện làm đúng theo mẫu trong Quy chuẩn. Đối với các biển hiệu cũ có sai sót, vì tiết kiệm, có thể thay thế dần khi đến kỳ duy tu, bảo dưỡng.

Khi nói đến văn hóa giao thông, ta thường nghĩ tới việc tuyên truyền vận động người tham gia giao thông cư xử “có văn hóa”, khi xảy ra va chạm trên đường. Dưới góc nhìn khác, việc quản lý sao cho viết biển báo cẩn thận, đúng đơn vị đo và đúng chính tả là việc có thể thực hiện ngay trên những con đường đang và sẽ xây dựng. Đó là biểu hiện ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng người đi đường, cũng là góp phần thiết thực tạo ra một môi trường giao thông văn minh.

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả!

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.