Biển báo để nghệ sĩ nhìn lại

05/09/2021 06:55 GMT+7

Nhiều nghệ sĩ, dường như đã quên mất mối quan hệ nghệ sĩ - công chúng là mối quan hệ “bạn bè chiến lược”.

Dự kiến trong tuần tới, bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ sẽ được Bộ VH-TT-DL hoàn thiện và công bố. Trong đó những nghệ sĩ được hiểu gồm cả nghệ sĩ nghệ thuật biểu diễn lẫn điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh. Hành vi ứng xử là phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người trong lĩnh vực nghệ thuật.
Những quy tắc ứng xử cũng được chia nhóm. Chúng gồm quy tắc ứng xử chung, quy tắc trong hoạt động nghề nghiệp, quy tắc với đồng nghiệp, quy tắc ứng xử với công chúng, khán giả, quy tắc trong công tác xã hội, quy tắc trên báo chí truyền thông và mạng xã hội.
Những quy tắc này ra đời trong khoảng thời gian công chúng lúc nào cũng râm ran các câu chuyện cư xử lệch chuẩn của nghệ sĩ: nhận ủy nhiệm nhưng lại chậm chuyển tiền từ thiện; động chút là chửi trên mạng; có những nhóm riêng tạo luật ngầm “dìm” nhau; quảng cáo sản phẩm “thượng vàng, hạ cám” ảnh hưởng người tiêu dùng… Những liệt kê hành vi chi tiết cho thấy Bộ VH-TT-DL nhìn thấy nguy cơ ứng xử lệch chuẩn ở nghệ sĩ rất nhiều, rất dày và buộc phải cảnh báo.
Nhiều nghệ sĩ, dường như đã quên mất mối quan hệ nghệ sĩ - công chúng là mối quan hệ “bạn bè chiến lược”. Trong mối quan hệ ấy, sự tôn trọng, trước sau như một vô cùng quan trọng.
Ở bước đầu sự nghiệp, nghệ sĩ đều trải qua việc tìm kiếm từng công chúng khó khăn, và khi tìm được mỗi người đồng cảm thì trân trọng biết mấy. Tuy nhiên, tới giai đoạn công chúng hâm mộ thành những nhóm lớn, nhiều người trong số họ lại đặt mình ở vị trí cao hơn công chúng. Cao hơn, nghĩa là giật dây họ chửi bới người có ý kiến trái ngược. Cao hơn, nghĩa là ăn nói, cư xử suồng sã khi họ tới “nhà”- ngôi nhà ảo trên mạng xã hội của mình. Chửi bới khi khách tới chơi nhà, dù là chửi người ngoài đường, cũng đâu phải là hành vi có văn hóa. Hoặc giả, nhận ủy nhiệm của họ mà lại chậm trễ việc mình hứa làm.
Bộ quy tắc ứng xử này, do đó, giống như hệ thống biển báo để nghệ sĩ nhìn lại. Ngành văn hóa, khi soạn thảo cũng không quên nêu rõ việc khuyến cáo cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phổ biến triển khai bộ quy tắc. Họ cũng đề nghị các hội nghề nghiệp căn cứ vào bộ quy tắc để xây dựng nội quy, quy chế hội viên kèm theo khen thưởng, kỷ luật. Trong động thái này, bên cạnh ứng xử nghệ sĩ, còn có cả sự nhắc nhở với người quản lý và công chúng. Đã đến lúc dừng việc o bế lại, dù nghệ sĩ có nổi tiếng đến đâu, được yêu mến đến thế nào.
Bộ quy tắc ứng xử, đương nhiên không có chế tài, nhưng chế tài có thể từ sự nhắc nhở của bộ quy tắc này mà ra. Nó nằm ở việc quản lý nhà nước sát sao, xử lý nghiêm các bất cập. Nếu nghệ sĩ sai, ngay lập tức lập biên bản và phạt chứ không mặc kệ cho đỡ việc. Nó cũng nằm ở công chúng, không cổ vũ khi nghệ sĩ sống trái đạo đức. Không ai được quên, nghệ sĩ nào thì công chúng nấy. Chấp nhận nghệ sĩ ứng xử kém văn hóa cũng là chấp nhận sự xuống cấp môi trường văn hóa của chính mình.
Chính vì vậy, không thể có chuyện soạn thảo và công bố xong bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ là ngành văn hóa xong trách nhiệm. Ở giai đoạn tiếp theo, rất cần việc Bộ VH-TT-DL cùng các đơn vị liên quan làm sao để dùng các chế tài đang có hỗ trợ bộ quy tắc được thực hiện. Vi phạm bị xử lý mới có thể răn đe được sự xuống cấp hình ảnh nghệ sĩ, cũng như vị thế văn hóa trong lòng người dân.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.